Con số này được tổng hợp từ dữ liệu chính thức đầu tiên về người khuyết tật và nạn nhân bom mìn của hai tỉnh Quảng Bình và Bình Định. Dữ liệu được công bố chính thức bởi Cục bảo trợ xã hội thuộc Bộ Lao động Thương Binh và Xã Hội trong Hội thảo Công bố số liệu tại Hà Nội ngày 7/1. Hội thảo là một hoạt động thuộc hợp phần hỗ trợ nạn nhân của dự án "Việt Nam – Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh". Dự án do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc - KOICA tài trợ và được thực hiện bởi Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam VNMAC và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc – UNDP Việt Nam.
Phần mềm đăng ký và quản lý thông tin người khuyết tật và nạn nhân bom mìn đã được triển khai trên toàn bộ 318 xã thuộc hai tỉnh Quảng Bình và Bình Định từ tháng 5 tới tháng 9 năm 2019.
Theo báo cáo số liệu này, trong tổng số người khuyết tật đăng ký trên phần mềm, 46 phần trăm người khuyết tật là phụ nữ. Khoảng 7% là trẻ em dưới 15 tuổi, 40 phần trăm là người khuyết tật có độ tuổi từ 15-59, và 39% có độ tuổi từ 60-79. Trung bình, cứ 10 người khuyết tật có 8 người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng. Trong số 9.100 nạn nhân bom mìn, đa số đăng ký là nạn nhân từ các cuộc chiến tranh với độ tuổi từ 60-79 tuổi. Số lượng nạn nhân nam gấp đôi số lượng nạn nhân nữ.
Hầu hết người khuyết tật và nạn nhân bom mìn đều có nhu cầu được hỗ trợ để có cuộc sống tốt hơn cả về mặt kinh tế và xã hội. Những dịch vụ hỗ trợ bao gồm: phẫu thuật chỉnh hình và phục hồi chức năng, tư vấn và hỗ trợ tâm lý, vật lý trị liệu, kết nối tạo công ăn việc làm, đào tạo nghề và tiếp cận trợ cấp xã hội và các chế độ chính sách khác.
Tham gia Hội thảo, nạn nhân bom mìn tại Quảng Bình đã chia sẻ câu chuyện và kinh nghiệm của bản thân sau tai nạn do bom mìn và tàn dư chiến tranh gây ra cũng như những mong muốn, nhu cầu được hỗ trợ từ chính phủ và các cơ quan liên quan.
Phát biểu tại Hội thảo, Bà Sitara Syed - Phó đại diện thường trú UNDP Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của dữ liệu trong việc thiết kế và xây dựng các dịch vụ hỗ trợ phù hợp cho người khuyết tật và nạn nhân bom mìn.
"Việc xây dựng và triển khai các can thiệp dựa trên bằng chứng nhằm hỗ trợ người khuyết tật, nạn nhân bom mìn và những nhóm yếu thế khác nhằm đảm bảo ‘không ai bị bỏ lại phía sau’". Bà Syed nhấn mạnh. "Chúng tôi tin tưởng rằng phần mềm đăng ký và, quản lý thông tin người khuyết tật và nạn nhân bom mìn sẽ được sử dụng rộng rãi trên toàn quốc; số liệu về người khuyết tật và nạn nhân bom mìn sẽ được cập nhật thường xuyên; các tổ chức phi chính phủ, các nhà hoạch định chính sách và nhà lập pháp sẽ tiếp cận những số liệu này một cách dễ dàng để xây dựng các chương trình, chính sách và pháp luật dựa trên bằng chứng hỗ trợ người khuyết tật và nạn nhân bom mìn một cách hiệu quả hơn".
Với hỗ trợ kỹ thuật của các đối tác liên quan, chức năng quản lý trường hợp đã được cập nhật trên phần mềm. Phần mềm có thể giúp người dùng là các nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội quản lý nhu cầu của nạn nhân bom mìn hiệu quả hơn, xây dựng kế hoạch hỗ trợ nạn nhân nhanh chóng hơn và gửi báo cáo lên cấp quản lý dễ dàng hơn. Ở cấp độ quản lý, cán bộ cấp huyện và tỉnh cũng có thể phê duyệt các kế hoạch hỗ trợ nạn nhân thông qua phần mềm thuận tiện và kịp thời. Phần mềm cũng cho phép các bên liên quan có thể rà soát lịch sử hỗ trợ người khuyết tật và nạn nhân bom mìn.
Với những tính năng trên, phần mềm này không chỉ đơn giản hóa quy trình hỗ trợ người khuyết tật và nạn nhân mà còn là một công cụ thu thập và xử lý dữ liệu hiệu quả. Phần mềm này kỳ vọng sẽ được sử dụng rộng rãi ở các tỉnh thành khác của Việt Nam nhằm hỗ trợ việc đăng ký và quản lý trường hợp người khuyết tật và nạn nhận bom mìn trên toàn quốc một cách tốt hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!