Anh Nguyễn Văn Hùng - một nạn nhân bị lùa đảo đi xuất khẩu lao động (Ảnh: VTV News)
Khoảng chục năm trở lại đây, xuất khẩu lao động đang trở thành một con đường xóa đói giảm nghèo ở nhiều gia đình, nhiều địa phương. Nhờ vào xuất khẩu lao động, nhiều người đã có thêm đồng vốn để phát triển kinh tế, thậm chí lại còn vươn lên làm giàu. Xuất phát từ thực tế này phong trào xuất khẩu lao động đã nổ ra dầm dộ, nhất là tại các vùng quê nghèo. Bên cạnh những câu chuyện đổi đời từ việc đi xuất khẩu lao động ở các làng quê thì không ít gia đình lâm vào cảnh khốn đốn, thậm chí đến tính mạng cũng không thể bảo toàn.
Một trong những nạn nhân đó là anh Nguyễn Trọng Thao, xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Trước đây, để được đi xuất khẩu lao động sang Angola, gia đình anh Thao đã phải nộp hàng chục triệu đồng cho chuyến đi. Tuy nhiên, kể từ 6 tháng nay, kế hoạch đi Angola của anh Thao chẳng thấy đâu, mà tiền cũng không đòi lại được.
Trò chuyện với gia đình anh, chúng tôi được biết, toàn bộ giấy tờ thủ tục để đi Angola của anh Thao chỉ có 2 giấy biên lai thu tiền cùng với những lời hứa không rõ ràng.
Anh Thao nói: “Em điện thoại, ông Giám đốc bảo tình hình bây giờ rất khó khăn nên phải chờ đợi nhưng em đợi lâu quá rồi mà cũng chẳng thấy gì, còn có nhiều người khác gọi ông ấy lại không nghe máy”.
Cũng một trường hợp khác tại xã Nghi Thiết đó là anh Nguyễn Văn Hùng. Anh Hùng đã đi Angola theo con đường du lịch với chi phí hết hơn 120 triệu đồng. Nhưng đánh đổi lại, sau 4 tháng về nước, trên người anh Hùng chằng chịt những vết sẹo do chủ lao động đánh đập. Thương con, gia đình anh đã phải gửi thêm cho anh 20 triệu đồng để mua vé máy bay về nước.
Anh Hùng kể: “Ở nhà người ta nói với tôi sang bên kia sẽ có người đón, và có công ty lo cho mọi thứ cả công việc cùng như nơi ăn ở nhưng thực chất không phải thế. Tôi đến sân bay không có ai đón và mọi người nói là tôi đã bị lừa, không có công ty nào giới thiệu việc làm hết”.
Ông Nguyễn Đình Trung, cán bộ chính sách phường Nghi Hòa, cho biết: “Hiện nay, số người lao động của phường chúng tôi sang Angola là khoảng 30 người. Qua nắm bắt tình hình một số lao động đã về nước, chúng tôi được biết hầu hết mọi người sang bên đó đều bị trừ lương. Có người bị trừ tới 7, 8 tháng, có những người đi được khoảng 4, 5 tháng nhưng cũng chưa có một đồng lương nào gửi về”.
Để xảy ra những câu chuyện trên, không thể phủ nhận nguyên nhân một phần là do nhận thức hạn chế từ phía người lao động. Tuy nhiên, qua nhưng sự việc đó cũng cho thấy người lao động hiện nay đang rất thiếu thông tin về các hoạt động xuất khẩu lao động. Vì thế, các công ty xuất khẩu lao động đã có cơ hội lợi dụng để tìm cách thực hiện các hành vi lừa đảo.