Giải pháp mở rộng hạn điền và tích tụ ruộng đất

Quang Hạnh - Anh Thư (Ban Thời sự)-Thứ sáu, ngày 14/04/2017 14:28 GMT+7

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì hội nghị bàn giải pháp tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp quy mô lớn với sự tham gia của nhiều Bộ, ngành chức năng.

Trong nhiều năm trở lại đây, nhu cầu sản xuât nông nghiệp quy mô lớn đã và đang âm thầm diễn ra ở nhiều nơi, nhiều vùng trong cả nước. Nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã phải lách luật để tích tụ, tập trung những diện tích đất đai đủ lớn để làm nông nghiệp hiện đại, công nghệ cao.

Thực tế này đã gây ra không ít rủi ro cho các doanh nghiệp và cả sự lo lắng về quá trình tích tụ, tập trung đất đai sẽ ảnh hưởng đến xã hội, đến đời sống, lao động, sản xuất của nông dân. Để tìm giải pháp tháo gỡ cho vấn đề này, sáng nay tại Vĩnh Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì hội nghị bàn giải pháp tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp quy mô lớn với sự tham gia của nhiều Bộ, ngành chức năng.

Theo số liệu kiểm kê đất đai năm 2015, cả nước có hơn 27 000 ha đất nông nghiệp, trong đó phần đất mà các hộ gia đình, cá nhân đang quản lý, sử dụng chiếm 55%. Để có thể tiến hành tích tụ ruộng đất đối với khu vực này là không hề đơn giản khi mà thời gian qua cả chính sách và thực tiễn vẫn còn nhiều nút thắt

Luật Đất đai 2013 đã khắc phục được nhiều hạn chế của việc sử dụng đất nông nghiệp, như nâng thời hạn sử dụng đất lên 50 năm đối với các loại đất nông nghiệp , mở rộng hạn mức giao đất nông nghiệp, cho phép chuyển đổi cơ cấu sản xuất trên đất lúa. Tuy nhiên, đối với trồng trọt, việc quy định hạn mức giao đất không quá từ 2-3 ha tùy vùng không khuyến khích được người dân, doanh nghiệp tích tụ để sản xuất lớn và hạn chế đầu tư dài hạn. Nhiều trường hợp đã phải nhờ người khác đứng tên trên giấy chứng nhận phần diện tích vượt hạn mức. Việc tiếp cận đất nông nghiệp cũng gặp khó khăn do công tác công bố quy hoạch làm chưa tốt. Thị trường quyền chuyển sử dụng đất nông nghiệp gần như chưa có khi phần lớn nông dân dù không còn muốn sản xuất vẫn giữ đất như một vật bảo hiểm. Tại Đồng bằng sông Cửu Long hiện mới chỉ có khoảng 3% cá nhân có diện tích từ 10-20 ha. Cả nước vẫn còn hơn 13 triệu hộ nông dân với 78 triệu mảnh ruộng nhỏ lẻ. 2/3 các thửa ruộng có diện tích dưới 0,5 ha.

Cũng trong hội nghị bàn giải pháp tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp quy mô lớn mở sáng 14/4 còn có sự tham gia của nhiều chuyên gia và các cán bộ nguyên là những nhà quản lý trong lĩnh vực đất đai. Các chuyên gia đã bày tỏ sự lo ngại về quá trình tích tụ, tập trung đất đai sẽ ảnh hưởng lớn đến xã hội, đến đời sống, lao động, sản xuất của nông dân. Tuy vậy hầu hết đều bày tỏ quan điểm ủng hộ chủ trương tích tụ, tập trung đất đai nhưng kèm với nó là những điều kiện để đảm bảo hài hòa quyền lợi của nông dân, Nhà nước và doanh nghiệp.

Ý kiến của các chuyên gia sẽ có trong video dưới đây:

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước