Giải pháp nào để thu hồi nợ xấu khi thực hiện chính sách đóng tàu vỏ sắt?

H.T-Thứ tư, ngày 06/11/2019 15:39 GMT+7

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng (Ảnh: TTXVN)

VTV.vn - Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Nguyễn Xuân Cường và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã tham gia giải trình về giải pháp thu hồi nợ trong thực hiện Nghị định 67.

Trong phiên chất vấn về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) và đại biểu Lê Công Nhường (đoàn Bình Định) đề nghị nêu giải pháp để các ngân hàng thu được nợ, tránh trục lợi chính sách trong thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản đã tạo động lực cho ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã trình bày về các nguyên nhân chủ quan, khách quan của tình trạng nợ xấu khi thực hiện đóng tàu vỏ sắt. Theo đó, đã có 1.030 "tàu 67" được đóng, với công suất từ 800 mã lực trở lên, bằng 3 loại vật liệu sắt, composite, gỗ, trong đó tàu sắt có 358 chiếc.

Tuy nhiên đến nay, vẫn còn 55 chiếc tàu đóng theo Nghị định 67 nằm bờ, không ra khơi. Nguyên nhân là do đánh bắt không hiệu quả, ngư trường quá tải; 2 chủ tàu đã qua đời; một số chủ tàu khác muốn chuyển đổi sang lĩnh vực khác...

Giải pháp nào để thu hồi nợ xấu khi thực hiện chính sách đóng tàu vỏ sắt? - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường (Ảnh: TTXVN)

Trước tình hình trên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, trong đó xác định rõ về vấn đề tiềm năng ngư trường. Bộ trưởng khẳng định cần thay đổi chính sách hỗ trợ đóng tàu do không có tác dụng nhiều và tạo ra tâm lý ỉ lại. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 17 sửa đổi, bổ sung về mức hỗ trợ bảo hiểm tàu cá và không khuyến khích đóng tàu nữa mà tùy theo năng lực của ngư dân, ai có năng lực, kinh nghiệm, tiềm lực thì tự đóng tàu ra khơi.

Bên cạnh đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã tham gia giải trình về giải pháp cho vấn đề này.

Thống đốc cho biết: "Tổng dư nợ cho vay thực hiện Nghị định 67/2014 hiện khoảng 10.500 tỷ đồng, nợ xấu là 33%. Nguyên nhân của nợ xấu trong thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP đã được báo cáo và việc quan trọng nhất là phải xác định giải pháp khắc phục. Từ cuối năm 2018, chúng tôi đã báo cáo Thủ tướng và có chỉ đạo với các bộ, ngành cùng các địa phương để triển khai các biện pháp. Gần đây, vào ngày 30/10, sau khi làm việc với các địa phương, bộ, ngành, chúng tôi đã báo cáo Thủ tướng để có giải pháp căn cơ. Trong thời vừa qua, về phía Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng tín dụng trong thẩm quyền của mình tiến hành các giải pháp như cơ cấu lại thời gian trả nợ như nhiều khách hàng ngư dân vay vốn, tập trung thu nợ trước, thu lãi sau, thực hiện cơ chế chuyển đổi chủ tàu".

Trước tình hình nợ xấu còn phát sinh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo các bộ, ngành, trước hết là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Chính phủ rà soát các địa phương để quy hoạch phát triển tàu cá, gắn với nguồn lợi thủy sản, ngư trường khai thác, hướng dẫn khai thác hiệu quả, bền vững hơn.

Thứ 2, Ngân hàng Nhà nước đề nghị các tỉnh triển khai kế hoạch hỗ trợ ngành ngân hàng rà soát các trường hợp bất khả kháng, để cùng ngành ngân hàng cơ cấu lại nợ. Trong trường hợp có biểu hiện "ỷ lại, chây ì" sẽ phối hợp với ngân hàng thu hồi nợ.

"Chúng tôi cũng phối hợp với ngành nông nghiệp và các ngành liên quan để hoàn thiện cơ chế chuyển đổi chủ tàu, đặc biệt có giải pháp xử lý chênh lệch giá trị thực tế tàu, định giá lại dư nợ cũ ở thời điểm bàn giao và hướng dẫn, bổ sung giải pháp hỗ trợ lãi suất đối với chủ tàu mới với khoản nợ vay bao gồm nợ quá hạn và nợ cơ cấu lại để trả nợ. Chúng tôi cho rằng với các giải pháp này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Nhân dân các tỉnh thành phố cần phối hợp chặt chẽ trong thời gian tới"- Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước