Giải quyết chế độ cho giáo viên mầm non: Khó!

Nguyễn Ngân-Thứ bảy, ngày 17/09/2011 17:00 GMT+7

Ngay trong ngày khai giảng năm học mới, 62 giáo viên mầm non hợp đồng của 2 xã Mậu Lâm và Thanh Tân thuộc huyện miền núi Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa đã đồng loạt nghỉ dạy. Lý do là với thu nhập hiện tại họ không đủ sống.

Lãnh đạo huyện Như Thanh và nhà trường trao đổi, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của các giáo viên
(Ảnh: Dân trí)

Mức hỗ trợ quá thấp, thiếu chế độ đãi ngộ, điều kiện dạy học thiếu thốn không chỉ là tình trạng của riêng giáo dục mầm non Thanh Hóa mà là của nhiều địa phương trong cả nước. Trong khi đó, hiện tại, các địa phương vẫn đang lúng túng đi tìm nguồn lực giải quyết chế độ cho giáo viên mầm non.

"19 năm chúng tôi đi khai giảng vào đầu năm học mới, và đều hân hoan. Năm nay chúng tôi ôm nhau khóc. Vì lí do đồng lương không đảm bảo nên mới phải nghỉ. Sau 2 ngày nghỉ, chúng tôi đã quay lại. Trẻ không có tội gì cả", chị Phạm Thị Anh - Giáo viên Trường mầm non Mậu Lâm, Như Thanh, Thanh Hóa bày tỏ.

Sau sự việc trên, Phòng Giáo dục huyện Như Thanh quyết định hỗ trợ tạm thời cho mỗi giáo viên 300 nghìn đồng trong 3 tháng cuối năm. Tuy nhiên, huyện chưa khẳng định khi nào khoản trợ cấp này đến được với giáo viên?

Trường Mậu Lâm có 42 giáo viên nhưng chỉ 7 người có biên chế. Những giáo viên hợp đồng nhận phụ cấp 985.000 đồng/tháng. Sau khi trừ các khoản BHYT, BH thất nghiệp và các khoản đóng góp khác, họ chỉ nhận khoảng 480.000 đồng.

41 tuổi nhưng vẻ ngoài của cô giáo Sơn lại khiến nhiều người nhầm tưởng đã gần 60. 26 năm gắn bó với nghề nuôi dạy trẻ, đồng lương hàng tháng chẳng đủ chi tiêu cho gia đình. Chị phải tranh thủ trồng thêm luống rau, đan thêm chiếc rổ, cái rá: "Một tháng có 480.000 đồng, chẳng đủ để ăn cháo chứ đâu có cơm cho các cháu ăn. Nhiều khi chẳng dám nhìn mình trong gương, cảm thấy tủi thân quá", cô giáo Phạm Thị Sơn, điểm trường mầm non thôn Cầu Hồ, xã Mậu Lâm, huyện Như Thanh, tình Thanh Hóa tâm sự với chúng tôi.

Điểm trường lẻ cách trung tâm xã gần 10 cây số. Để đến lớp, tháng nào cô Lan cũng mất ít nhất 100.000 tiền xăng xe, nên số tiền còn lại để mang về nhà càng eo hẹp hơn. Lớp của cô giáo Lan mở trở lại đúng những ngày mưa bão. Khó khăn, thiếu thốn đủ bề.

Rất nhiều năm qua, tình yêu nghề mến trẻ đã giúp những giáo viên mầm non vượt qua mọi khó khăn về cơ sở vật chất. Thế nhưng, hiện thì tình yêu đó không thể giúp họ vượt qua nỗi khốn khó về kinh tế. Khi mà với thu nhập hiện tại, chia ra mỗi ngày các cô chỉ nhận được khoảng từ 15 - 20.000 đồng, tức là không thể để mua 1 bát phở nơi thành phố. Thật khó để khiến những giáo viên nơi đây tiếp tục gắn bó và yêu công việc này.

Hiện, toàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 13.000 giáo viên mầm non. Quá 3/4 số đó là ngoài biên chế. Nghĩa là chỉ có thu nhập chưa đến 500 ngàn đồng/tháng. Cô giáo Phạm Thị Chung, Hiệu trưởng Trường mầm non Mậu Lâm, Như Thanh, Thanh Hóa: "Giáo viên chúng tôi cũng nói: Nếu sang năm không có chính sách nào thì sẽ phải xin ra khỏi ngành. Cứ yêu nghề mãi cũng không ai yêu mình. Cuộc sống cứ tối tăm lầm lũi mãi như thế này thì thật thất vọng".

Hiện tại, hỗ trợ cho giáo viên mầm non hợp đồng dựa vào 3 nguồn chủ yếu: Ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, tiền thu học phí và các khoản đóng góp tự nguyện của phụ huynh. Nhưng với địa phương khó khăn, nguồn thu học phí và đóng góp của dân gần như không có.

Tỉnh Thanh Hóa đã có đề án chuyển đổi các trường mầm non bán công sang công lập, để chuyển 2.000 giáo viên sang biên chế, nhưng đến giờ vẫn chưa thể thực hiện.

"Nguồn kinh phí của địa phương không đủ chi trả. Tiền hỗ trợ hàng tháng đã từ 15 – 20 tỷ cho giáo viên toàn tỉnh, kinh phí đâu ra nếu như biên chế. Thanh Hóa vẫn phải xin kinh phí của trung ương: - Bà Cao Thị Thái, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non - Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cho biết.

Đề án Phổ cập giáo dục mầm non giai đoạn 2010 - 2015 đã được triển khai trong cả nước. Một trong những nội dung quan trọng là chăm lo đời sống giáo viên mầm non. Tuy nhiên cho đến nay, vấn đề này vẫn là bài toán khó với các địa phương.

Ông Trần Kim Tự, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ - Bộ Giáo dục & Đào tạo phát biểu: "Chúng ta cần phải làm. Nhưng phải có lộ trình, không thể ngày 1 ngày 2, chúng ta có thể khắc phục ngay được tình trạng này. Trên 77.000 giáo viên mà chúng ta thực hiện 1 lúc thì sẽ rất khó khăn".

Trong lúc chờ một sự thay đổi, hàng vạn giáo viên hợp đồng như cô giáo Lan vẫn phải chật vật với số tiền trợ cấp ít ỏi. Đã quay lại trường dạy, nhưng các cô vẫn đang phải tìm câu trả lời cho bài toán mưu sinh, mà đáp án có thể không phải là công việc dạy và chăm sóc trẻ.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước