Giảng viên Đại học có sống bằng lương?

Thanh Hoa-Thứ năm, ngày 17/09/2009 18:33 GMT+7

Nói đến đổi mới giáo dục Đại học cho bắt kịp với thế giới, không thể không nói đến chuyện cải thiện đời sống giảng viên. Với một cuộc sống còn nhiều chật vật như hiện nay, giảng viên Đại học ở Việt Nam không nhiều người sống được hoàn toàn bằng nghề, và nếu phải đi làm thêm, họ sẽ không thể có thời gian và sức lực để nghiên cứu...

Kinh qua 30 năm giảng dạy, Thạc sỹ Vũ Thị Đảm, Trưởng khoa Lý luận chính trị (ĐH Lao động Xã hội) thấm thía hơn ai hết những khó khăn của một giảng viên khi phải cân bằng giữa việc giảng dạy thật tốt và bươn chải cho cuộc sống đời thường. Và giờ đây ở cương vị trưởng khoa, cô vẫn hàng ngày nhìn thấy thế hệ đàn em của mình đang bước tiếp con đường đó.

Thạc sỹ Vũ Thị Đảm, Trưởng khoa Lý luận chính trị (ĐH Lao động Xã hội) cho biết: “Giáo viên ở trường tôi do đời sống khó khăn, họ phải làm thêm rất nhiều. Có người may mắn nhất là được đi dạy thêm đúng nghề của mình, có những người khác thì kinh doanh, thậm chí mở cửa hàng bán tạp phẩm, có người phải làm gia sư nếu chuyên môn của mình không thể đi dạy thêm, có người mở cửa hàng Internet, thậm chí có người phải đi giao hàng”.

Thống kê chi tiêu hàng tháng của một giảng viên trẻ, riêng tiền thuê nhà đã hơn 1,5 triệu đồng. 3.000 ăn sáng, 15.000 ăn trưa, tiền xăng xe hay các phụ phí khác... Tằn tiện tối đa mà mức chi vẫn gấp đôi mức lương. Chuyện cơm áo gạo tiền, đặc biệt với các giảng viên trẻ, quả thật không phải chuyện đùa.

Giảng viên Nguyễn Văn Tuân, Khoa Lý luận chính trị nói: “Người xưa nói, dân dĩ thực vi thiên, dân lấy ăn làm trời, chúng tôi là giáo viên cũng không nằm ngoài điều đó. Mặc dù yêu nghề đến cháy bỏng và tận tâm hết mình về nghề, nhưng vì cơm áo gạo tiền, chúng tôi cũng phải suy nghĩ về việc làm thế nào để tồn tại. Có những tuần tôi phải giảng dạy đến 60 tiết, tôi phải đi làm thêm buổi tối thứ 7, chủ nhật, ngoài thời gian đó thì phải đi học. Nói thật, ngoài thời gian đó chúng tôi không còn một chút thì giờ nào để dành cho giải trí hay việc nghỉ ngơi phục vụ tái sản xuất sức lao động”.

Tại trường ĐHSP, cái nôi đào tạo giảng viên của cả nước, vài năm trở lại đây, lượng sinh viên thi vào giảm rõ rệt. Chuyện thu nhập là một trong những lý do nếu không muốn nói là quan trọng nhất, bởi dù ngay cả là những học sinh mới tốt nghiệp cấp 3, ai cũng có đủ ý thức về những khó khăn của đời sống giáo viên…

Sinh viên Phạm Thị Hoan, Khoa Ngữ Văn (Đại học Sư phạm) tâm sự: “Bọn em thi vào đây vì đam mê, nhưng quả thực em thấy mức thù lao mà giảng viên được trả không xứng với công sức họ bỏ ra…”

Mặc dù ý thức được khó khăn đó, cổng trường Đại học Sư phạm hàng năm vẫn có nhiều sinh viên bước vào với hy vọng, cống hiến hết sức mình cho thế hệ tương lai của đất nước. Không ai chọn làm cái nghề vất vả và cao quý này vì tiền, vì vậy cũng không ai mong muốn phải từ bỏ nó vì tiền...

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước