Giáo dục phổ thông: Bao nhiêu năm thì hợp lý?

VTV News-Thứ sáu, ngày 10/05/2013 16:22 GMT+7

Phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi với GS.TS Phạm Văn Kha. (Ảnh: VTV News)

 Xung quanh vấn đề chương trình giáo dục phổ thông nên là 10, 11 hay 12 năm, phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi với GS.TS Phạm Văn Kha, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục.

Chỉ còn khoảng 2 năm nữa, cụ thể là sau 2015 là thời điểm ngành Giáo dục phải đổi mới toàn diện chương trình, sách giáo khoa phổ thông theo Nghị quyết của Quốc hội năm 2000. Hiện ngành Giáo dục đang gấp rút chuẩn bị cho công cuộc này và một trong những vấn đề đặc biệt quan trọng đó là xác định cơ cấu của hệ thống giáo dục phổ thông nên là 9, 10, 11 hay 12 năm.

Trong các cuộc Hội thảo về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông được Bộ GD&ĐT tổ chức mới đây, các chuyên gia giáo dục đang có những ý kiến tranh luận khác nhau liên quan đến vấn đề này. Có nhiều người có ý kiến cho rằng, nên giữ chương trình giáo dục phổ thông 12 năm như hiện nay, cũng có ý kiến cho rằng nên cắt bớt thời gian học phổ thông xuống dưới 12 năm sẽ phù hợp với xu hướng của thời đại và tiết kiệm cho xã hội. Xung quanh vấn đề này, phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi với GS.TS Phạm Văn Kha, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục.

PV: Thưa GS.TS Phạm Văn Kha, hiện nay GS.TS Hồ Ngọc Đại và TS. Lê Trường Tùng đều cho rằng nên rút ngắn chương trình giáo dục phổ thông xuống còn 10, 11 năm, hoặc 10 năm phổ thông và 2 năm dự bị ĐH. Ý kiến của ông như thế nào, liệu việc rút ngắn có cần thiết?

GS.TS Phạm Văn Kha: Thời gian vừa qua, trong các hội thảo và trên các phương tiên thông tin đại chúng, có rất nhiều luồng ý kiến tập trung bàn nhiều về vấn đề này. Luống ý kiến thứ nhất cho rằng, hệ thống giáo dục của chúng ta nên là 10,11 năm, luồng ý kiến thứ 2 là 12 năm.

Về ý kiến 10, 11 năm, tôi cho rằng có 2 ưu điểm đó là khi cắt chương trình giáo dục phổ thông 1 hoặc 2 năm thì đầu tư của Nhà nước và của các bậc phụ huynh sẽ giảm. Như vậy, sẽ giảm một gánh nặng cho vấn đề giáo dục. Đây là vấn đề tôi nghĩ cũng hết sức quan trọng. Thứ hai, nếu cắt thời gian học phổ thông sẽ tạo điều kiện cho học sinh vào học ĐH sớm hơn. Tuy nhiên, muốn xác định vấn đề này, tôi nghĩ cần phải bàn kỹ hơn trong tổng thể nhiều mối quan hệ.

PV: Nói về vấn đề này, TS. Lê Trường Tùng cũng có một ý kiến đáng lưu ý đó là: Nếu rút cho học sinh học 10 năm phổ thông và 2 năm dự bị. Điều này sẽ giúp phân luồng cho học sinh sớm. Vậy ý kiến của ông như thế nào?

GS.TS Phạm Văn Kha: Tôi cho đây là vấn đề hết sức quan trọng và tôi hoàn toàn chia sẻ với ý kiến trên. Bởi vì nếu giúp cho học sinh có kiến thức cơ bản thì vấn đề học 9 hay 10 năm là hoàn toàn có thể được. Nhưng để giúp cho học sinh có được trình độ cao hơn như CĐ, ĐH thì giáo dục cơ bản vẫn chưa đầy đủ, mà vẫn cần đến 2 năm.

Đặc biệt 2 năm này, chúng ta phải thực hiện vấn đề hướng nghiệp cho học sinh, trên cơ sở đó học sinh có thể biết được năng lực của mình như thế nào để phân luồng vào học nghề, học Trung cấp chuyên nghiệp hoặc học CĐ, ĐH.

PV: Một trong những nguyên nhân khiến chúng ta phải thực hiện đổi mới giáo dục đó là khối lượng kiến thức của giáo dục phổ thông hiện nay được cho rằng quá nhiều, quá nặng, có những nội dung, những môn thừa không cần thiết hoặc có kiến thức học đi học lại ở nhiều cấp học. Khi chúng ta đã giảm tải chương trình giáo dục, liệu có cần thiết môn học có được rút ngắn xuống không, thưa ông?

GS.TS Phạm Văn Kha: Tại các nước khác trong cùng 1 thời điểm, các môn học thường ít hơn rất nhiều. Trong khi đó, chương trình giáo dục phổ thông của chúng ta lại có quá nhiều môn học, thậm chí có thời điểm học sinh phải học tới 14 hoặc 16 môn. Đặc biệt, chương trình giáo dục của nước ta rất ít các hoạt động giáo dục, điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển toàn diện của học sinh.

Vì vậy, theo ý kiến của tôi nên giảm các môn học cung cấp về kiến thức xuống và tăng các hoạt động giáo dục lên. Đồng thời nên chú ý hơn đến sự lựa chọn các môn học của học sinh.

Trong Đề án đổi mới chương trình sau 2015 và Đề án để trình Hội nghị TƯ sắp tới nhằm thay đổi căn bản toàn bộ hệ thống giáo dục, vấn đề trên được chúng tôi đặc biệt quan tâm.

Vâng rất cảm ơn ông đã tham gia cuộc trao đổi này!

Mời quí vị theo dõi VIDEO nội dung toàn bộ cuộc trao đổi của phóng viên VTV với GS.TS Phạm Văn Kha, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục trong chương trình Cuộc sống thường ngày tại đây.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước