Đệ tam Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ. Ảnh: GHPGVN
Đại hội Phật giáo toàn cầu với sự tham dự của 800 đại biểu đến từ 32 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là sự kiện đặc biệt đối với các tín đồ đạo Phật bởi Ấn Độ là nơi Đức Phật Thích ca Mâu Ni thành đạo và Bồ Đề Đạo Tràng, nơi Đức Phật giác ngộ giáo lý cách đây 2.600 năm là một trong bốn thánh tích của Phật giáo thế giới. Đây cũng là lần đầu tiên sau 30 năm thành lập, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tham dự Đại hội Phật giáo Toàn cầu.
Gửi thông điệp tới Đại hội, thay mặt Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ nói rằng, đây là cơ hội cho tinh thần hữu nghị và hòa hợp, để thảo luận và tìm ra những giải pháp hữu hiệu khôi phục lại các phương diện đạo đức, giáo dục, sinh thái, tinh thần nhập thế của đạo Phật… trong thế giới hiện đại, phát triển một thế giới cùng chung sống hòa bình, khoan dung, đoàn kết, hợp tác anh em giữa các đệ tử Phật từ nhiều giáo phái khác nhau trên thế giới
Hoà Thượng Thích Trí Quảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát biểu: “Từ trước tới giờ nhiều tổ chức Phật giáo thế giới đã được thành lập, nhưng do không đặt trụ sở tại Ấn Độ nên không bảo quản được các thánh tích của Phật giáo. Lần này tất cả các tổ chức Phật giáo trên thế giới tham gia với nhau để tổ chức một Hội phật giáo toàn thế giới thực sự đặt tại Ấn Độ, từ đó giao tất cả các thánh tích phật giáo cho tổ chức Phật giáo thế giới quản lý, trùng tu, phát triển. Như vậy tạo được mối quan hệ giữa những đệ tử phật trên khắp thế giới quy tụ về Ấn Độ”.
Bồ Đề Đạo Tràng - Bodh Gaya, Ấn Độ, là nơi Đức phật Thích ca Mâu Ni giác ngộ giáo lý Đạo Phật cách đây 2.600 năm. Dưới tán cây Bồ Đề linh thiêng, hàng trăm tín đồ Đạo Phật từ khắp nơi trên thế giới đã cùng chào đón và cầu nguyện cho cuộc hội ngộ đặc biệt của những người anh em Phật giáo. Để biểu thị cho tinh thần đó, đích thân Hòa thượng U Nyaneida, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đại bồ đề đã trao tặng Ngọc Xá lợi Phật cho Pháp chủ Thích Phổ Tuệ.
Cư sĩ Từ Vân, Phó Ban Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết: “Chuyến đi này được chuẩn bị rất chu đáo, vì kể từ năm 1981 đến nay, 30 năm qua, đây là lần đầu tiên Đức Pháp chủ đệ tam Thích Phổ Tuệ sang Bồ Đề Đạo Tràng để làm lễ…”.
Nếu Đại hội Phật giáo như một sự kiện kết nối chương trình Nghị sự cho sự phát triển của Phật giáo thế giới trong thế giới hiện đại, thì tại quê hương Đất Phật, các tín đồ như đang kết nối với cội nguồn của giáo lý Đạo Phật, nơi mà hàng ngàn năm trước, Đức Phật đã thiền tọa và chứng đạo. Đó là hình ảnh minh chứng cho sự trường tồn của Đạo Phật, dù đã trải qua thăng trầm của 2.600 năm lịch sử.
Đại đức Thích Quang Thạnh, Chánh thư ký Ban Phật giáo Quốc tế, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng: “Những đệ tử Phật thăm Bồ đề đạo tràng ngồi tĩnh toạ tại đây nghiệm lại con đường tu tập của Đức Phật, thứ hai luôn phát nghiệm, cố gắng tu học như thế nào để có thể gạn lọc được thanh tâm trong xã hội phát triển, đầy rẫy những cám dỗ, người đệ tử Phật muốn giải thoát được trí tuệ thì phải tập trung để đạt được trí tuệ như Ngài”.
Đạo Phật đã khởi phát từ mảnh đất và phát triển ở khu vực đã chứng kiến những đau khổ trong cuộc sống con người, nơi mà thiên tai, chiến tranh, nghèo đói và loạn lạc đã từng xảy ra liên miên trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại. Và thông điệp về giác ngộ, tôn vinh cuộc sống thánh thiện, đạo đức và trật tự xã hội, thể hiện tinh thần nhập thế, ứng phó với những biến chuyển của thời đại là những gì mà các đệ tử của Đức Phật Thích ca Mâu Ni mang tới Ấn Độ lần này.