Cục An toàn vệ sinh thực phẩm tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để kiểm tra, kiểm soát; đồng thời yêu cầu Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia tiếp tục lấy mẫu giám sát rộng trên thị trường.
Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cũng đã khuyến cáo không phải tất cả thịt lợn nạc đều nhiễm độc. Hiện nay, tại Việt Nam có rất nhiều giống lợn có năng suất cao, tỷ lệ nạc lên tới 64%. Người tiêu dùng không nên mua loại thịt không rõ nguồn gốc xuất xứ, có màu quá đỏ và độ nạc cao một cách bất thường...
Trước đó, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định sẽ xử lý nghiêm khắc những đối tượng sản xuất, lưu hành và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Theo Cục Chăn nuôi, mẫu kiểm tra thức ăn chăn nuôi năm 2010 và 2011 tại các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn đều không phát hiện ra các chất cấm. Vừa qua, việc phát hiện các mẫu chất cấm trong nước tiểu và máu chủ yếu là của đàn lợn nuôi tại các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ ở Đồng Nai.
Cục Chăn nuôi cho biết các cơ quan chuyên môn đang lấy mẫu tại một số tỉnh phía Nam, vào cuối tháng 3/2012 dự kiến sẽ có thông tin để công bố tỷ lệ nhiễm chất Beta-Agonist trên đàn lợn.
Beta-Agonists là nhóm hormon tăng trưởng có tác dụng làm giảm lượng mỡ, tăng lượng nạc ở gia súc, gia cầm. Chất này đã bị cấm sử dụng để chăn nuôi ở Việt Nam từ năm 2002. Tương tự, trên thế giới, Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) cấm sử dụng chất này trong chăn nuôi bởi tính nguy hại của nó đối với sức khỏe con người.
Tin bài liên quan:
“Hiện tượng ở Đồng Nai chỉ là cá biệt”