Ngày 26/2, UBND Thành phố Hà Nội đã có phát ngôn chính thức về các phương án vị trí cầu đường sắt vượt sông Hồng thuộc Dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 Hà Nội có liên quan đến
cầu Long Biên mà nhiều cơ quan truyền thông phản ánh thời gian gần đây.
Theo đó, quan điểm nhất quán của Thành phố Hà Nội là phải giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các bộ ngành liên quan sớm tổ chức hội thảo với sự tham gia rộng rãi của các nhà khoa học, nhà quản lý, các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực để xem xét toàn diện, khách quan, khoa học, nhằm đề xuất phương án tối ưu đảm bảo gắn kết việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa cầu Long Biên - cầu đường sắt hiện có gắn với bảo tồn khu phố cổ, với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phát triển giao thông, đảm bảo tốt nhất yêu cầu cảnh quan kiến trúc và môi trường đô thị của Thành phố theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Về phía Bộ Giao thông Vận tải, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, Bộ này đưa ra 3 phương án như vừa qua chỉ là để bổ sung theo kiến nghị của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, bởi trước đó, từ tháng 10/2013, Bộ đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất về hướng tuyến đường sắt vượt sông Hồng cũng như bảo lưu quan điểm xây dựng cầu mới cách cầu Long Biên 30m và có phương án bảo tồn nguyên trạng đối với cầu Long Biên.
Ba phương án gây nhiều tranh luận trên báo chí thời gian vừa qua gồm:
Phương án 1: Sẽ xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại, di dời 9 nhịp cầu cũ về phía thượng lưu để bảo tồn.
Phương án 2: Xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại có kết cấu nhịp dàn thép tương tự cầu cũ như thiết kế ban đầu.
Phương án 3: Xây dựng cầu mới có một phần vị trí tại tim cầu hiện tại, giữ nguyên các nhịp cầu cũ để bảo tồn.