Một tiết “luyện phát âm, viết đúng hai phụ âm n, l”. Ảnh: dantri
Năm học này, Sở GDĐT Hà Nội đưa ra nhiệm vụ luyện phát âm, viết đúng hai phụ âm "l", "n" đối với 13 huyện ngoại thành. Khảo sát của ngành giáo dục Hà Nội cũng cho thấy, tại 13 huyện ngoại thành có tới hơn 22% học sinh và 11% giáo viên nói không chuẩn phụ âm "l", "n".
Tại trường Tiểu học Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội, địa phương được đánh giá là có nhiều kết quả tốt trong việc khắc phục nói ngọng cho giáo viên và học sinh. Cứ mỗi tuần 2 tiết, cô và trò lớp 1B lại kiên trì sửa ngọng. Có em chỉ nói được chữ "l", có em lại lẫn lộn không phân biệt được khi nào là "l", khi nào là "n".
Vì phát âm ngọng, nên đôi lúc, các em viết cũng sai. Ở xã Tứ Hiệp, có đến 3 trong số 5 thôn, đa số người dân đều nói ngọng. Luyện từng từ, các cô giáo nghĩ ra nhiều trò chơi vui vẻ phù hợp với lứa tuổi tiểu học để rèn nói cho học sinh. Kết quả đạt được đáng khích lệ, đầu năm, lớp 1B có 14 em nói ngọng, giờ chỉ còn 10 em. Có em chữa được ngọng, thậm chí về nhà còn sửa cho cả bố mẹ.
Và đây là kết quả bước đầu mà cô và trò đã đạt được sau thời gian luyện nói: “Nếu là líu lo thì mẹ con nói thế nào? Mẹ con nói là níu no, con bảo mẹ phải nói là líu lo”.
Tại huyện Thanh Trì hiện còn tới 5,6% giáo viên và 21% học sinh nói ngọng, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã đưa tiêu chí giảm tỷ lệ học sinh nói ngọng là một trong các tiêu chí thi đua và nhiều biện pháp khắc phục với giáo viên nói chưa chuẩn.
Khắc phục nói chưa chuẩn "l", "n" là điều không đơn giản. Cũng có người băn khoăn, đó là phương ngữ, liệu có cần thiết phải sửa hay không? Nhưng khi mối quan hệ xã hội ngày càng mở rộng, sự giao thoa giữa các vùng văn hóa ngày càng sâu sắc, thì việc chuẩn hóa từ nhỏ sẽ tạo cho các em sự thuận lợi, tự tin trong tương lai...