Tổng thống Mỹ gọi cuộc bỏ phiếu về Dự luật y tế là "cơ hội lịch sử".
Việc thông qua Dự luật này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi nó không chỉ đem lại lợi ích trực tiếp cho hơn 30 triệu người dân Mỹ hiện chưa có bảo hiểm y tế, giúp cắt giảm thâm hụt ngân sách của nước này, mà còn đưa Tổng thống Barack Obama trở thành vị Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ giải quyết thành công vấn đề cải cách hệ thống bảo hiểm y tế, một vấn đề vốn là trọng tâm nhiệm vụ hàng đầu của nhiều đời Tổng thống tiền nhiệm.
Cũng chính vì thế mà đây được coi là thước đo uy tín của Tổng thống Barack Obama cũng như nội các của ông trong 1 năm cầm quyền vừa qua, đồng thời tạo thế cho Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới.
Với Dự luật vừa được thông qua, 95% người dân Mỹ sẽ được tiếp cận với bảo hiểm y tế và thâm hụt ngân sách Liên bang sẽ giảm được tới 138 tỷ USD trong 10 năm tới và 1.200 tỷ USD trong 10 năm tiếp sau. Hầu hết ngân sách gần 1.000 tỷ USD trong Dự luật sẽ được sử dụng để trợ giúp cho những gia đình có thu nhập thấp đóng bảo hiểm y tế. Dự luật này cũng quy định các công ty bảo hiểm của Mỹ không được từ chối bảo hiểm đối với những người có tiền sử bệnh tật hoặc chấm dứt hợp đồng khi sức khỏe của người đóng bảo hiểm bắt đầu suy giảm.
Trong bối cảnh nước Mỹ là quốc gia có chi phí y tế đắt đỏ nhất thế giới, việc thông qua Dự luật này được coi là một chiến thắng quan trọng của Tổng thống Barack Obama. Điều này cũng đã được Tổng thống Obama khẳng định trong bài phát biểu ngay sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố.
Tổng thống Mỹ Barack Obama: "Chiến thắng này không phải của riêng một đảng phái nào, mà là của cả hai Đảng, của người dân Mỹ. Đó là chiến thắng của chúng ta, là những gì thay đổi diễn ra".
Ngay sau khi Hạ viện thông qua, Dự luật này đã được trình lên Tổng thống Mỹ Barack Obama ký ban hành luật. Dự kiến, ông Obama sẽ ký luật này trước ngày 23/3. Tuy nhiên ngay khi dự luật này được đưa ra, nó đã vấp phải sự phản đối gay gắt của không chỉ Đảng Cộng hòa, mà cả từ không ít thành viên của Đảng Dân chủ. Bản thân Tổng thống Barack Obama đã phải 2 lần hoãn chuyến công du tới Indonesia và Australia để ở lại vận động cho Dự luật này.
Kết quả bỏ phiếu với tất cả 178 hạ nghị sỹ Đảng Cộng hòa và 34 hạ nghị sỹ Đảng Dân chủ bỏ phiếu chống cũng đủ cho thấy, con đường phía trước của Tổng thống Barack Obama sẽ còn không ít chông gai.