Bên cạnh đó, theo giới chuyên môn, một nguyên nhân nội tại từ chính các doanh nghiệp trong nước khi đã quá lạm dụng nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng. Hiểu nôm na là các doanh nghiệp Việt Nam nợ quá nhiều, khi lãi suất tăng, gánh nặng là quá lớn.
Kinh doanh khó khăn, nhiều mặt bằng bán lẻ đã bị trả lại, văn phòng cho thuê ế ẩm dù đã giảm giá mạnh, nhiều dự án bất động sản đã tạm ngừng thi công, nhiều doanh nghiệp đã tạm ngừng sản xuất… đó là bức tranh không mấy sáng sủa của các DN hiện nay.
Chỉ tính riêng trên địa bàn TP.HCM, trong 2 tháng đầu năm đã có hơn 3.100 doanh nghiệp xin giải thể, ngừng kinh doanh. Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn.
Ông Phạm Hải Tùng, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực phía Nam nhìn nhận: “Các DN yếu kém về quản trị, năng lực, đầu tư dàn trải mà không kiểm soát được thì thua lỗ hay phá sản là điều dễ hiểu trong tình hình chung hiện nay. Nhưng có những DN gặp khó khăn chính là vì lãi suất quá cao”.
Đồng quan điểm, nhưng theo nhiều chuyên gia kinh tế thì nguyên nhân gốc gác nằm ở chỗ các DN đã phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn tín dụng, thậm chí có những doanh nghiệp vốn chủ sở hữu chỉ chiếm 20%, 80% còn lại là đi vay, hay nói nôm na là các DN nợ quá nhiều. Do đó, áp lực lãi suất đương nhiên rất lớn.
Ông Nguyễn Trọng Hạnh, Phó cục trưởng cục Thuế TP.HCM cho biết: “Tại TP.HCM, chúng tôi làm hồ sơ quyết toán thuế cho hơn 100.000 doanh nghiệp năm 2011, có rất nhiều DN phần trả lãi cho ngân hàng quá lớn, chiếm hết cả lợi nhuận”.
Phá sản không phải là điều tốt đẹp đối với các doanh nghiệp, nhưng không có nghĩa là không tốt cho nền kinh tế, đặc biệt khi sự phá sản giống như sự đào thải, sàng lọc các doanh nghiệp yếu kém, làm ăn không hiệu quả. Đó cũng là quy luật của nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, hơn 50.000 DN gặp khó khăn đứng trước nguy cơ phá sản lại là vấn đề bất ổn.
Theo TS Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TPHCM: “Một mặt cứ phải để quy luật thị trường đào thải các DN yếu kém, nên không thể cứu 100% các doanh nghiệp. Nhưng có những DN nằm ở trạng thái là cung ứng hàng hoá cho nền kinh tế, cung ứng hàng cho xuất khẩu, tạo ổn định vĩ mô và lao động. Tóm lại là nên cứu giúp nhưng cần có địa chỉ, không có lý gì mà lại không cứu lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu”.
Bất động sản đóng băng, vỡ tín dụng đen khiến hàng nghìn người mất tiền của. Doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất khiến hàng triệu lao động mất việc làm. Sự đổ vỡ của hàng loạt doanh nghiệp rõ ràng sẽ tạo nên hệ luỵ xấu đến tình hình kinh tế và xã hội… Phương án giải cứu là điều nên bàn, nhưng vấn đề quan trọng hơn là doanh nghiệp sẽ rút ra bài học gì từ sự việc này mới là điều đáng để suy ngẫm.