Hát Xoan Phú Thọ được công nhận Di sản văn hóa

Việt Cường -Thứ năm, ngày 24/11/2011 22:00 GMT+7

Đúng 11h10 ngày 24/11, UNESCO đã chính thức thông qua quyết định công nhận Hát Xoan Phú Thọ (Việt Nam) trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần bảo tồn khẩn cấp.

Báo cáo của ban thẩm định hồ sơ thông báo tại Hội nghị Ủy ban Liên chính phủ về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể tại Bali (Indonesia) đánh giá: Hồ sơ Hát Xoan Phú Thọ Việt Nam là duy nhất nhận được sự đồng thuận hoàn toàn của ban thẩm định. Các chuyên gia cũng ghi nhận cao giá trị di sản và những cố gắng của người dân Phú Thọ trong nỗ lực bảo tồn các làn điệu xoan.

Đúng 11h10 ngày 24/11, UNESCO đã chính thức thông qua quyết định công nhận Hát Xoan Phú Thọ (Việt Nam) trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần bảo tồn khẩn cấp, với lời nhấn mạnh: Hát Xoan là hình thức âm nhạc rất cổ, kết hợp được yếu tố văn hóa, lịch sử và nghệ thuật, độc đáo ở lời ca, giai điệu và làn điệu.
Ngay sau khi có kết quả, rất nhiều đoàn quốc tế đã đến chúc mừng đoàn đại biểu Việt Nam.
Ông Nguyễn Doãn Khánh, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ chia sẻ: “Chúng tôi đã chuyển từ trạng thái hồi hộp, lạc quan, đến phấn khởi, tự hào. Từ nay, Hát Xoan chắc chắn sẽ trở thành tài sản chung của toàn nhân loại. Đó cũng thể hiện trách nhiệm đóng góp của quốc tế, đặc biệt là đóng góp của Việt Nam trong việc bảo tồn, cam kết thực hiện công ước quốc tế về giữ gìn, bảo vệ Hát Xoan trở thành di sản văn hóa xứng đáng”.
Cùng chung quan điểm trên, bà Cécile Duvelle, Vụ trưởng vụ Văn hóa phi vật thể của UNESCO phát biểu: “Tôi nghĩ là Việt Nam chắc chắn phải tự hào lắm, không chỉ vì được cộng đồng thế giới ghi nhận, mà còn vì kế hoạch hành động được xây dựng hết sức nghiêm túc và cẩn thận. Rất nhiều quốc gia muốn các bạn chia sẻ bí quyết làm thế nào để có được hồ sơ hoàn chỉnh như vậy. Tôi tin tưởng Việt Nam sẽ thực hiện lời hứa của mình cũng như là hành động mạnh mẽ để chuyển giao giữa các thế hệ”.
Được sáng tác và bảo tồn từ thời Hùng Vương, hát Xoan được biểu diễn trước cửa đình vào dịp hội làng mùa xuân. Có 3 hình thức hát Xoan: Hát thờ cúng các Vua Hùng và Thành hoàng làng, hát nghi lễ cầu mùa tốt tươi, cầu sức khỏe và hát lễ hội là hình thức để nam nữ hát trao duyên.
Trước nguy cơ mai một, năm 2009, chính phủ đã đồng ý việc lập Hồ sơ cho di sản hát Xoan đề nghị UNESCO ghi nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Tỉnh Phú Thọ phối hợp với Viện Âm nhạc QG Việt Nam, Cục Di sản Văn hóa - Bộ VH-TT&DL đã tiến hành khảo sát, tổ chức nhiều hội thảo trong nước và quốc tế để đánh giá hiện trạng hát Xoan.
Tháng 3/2010, hồ sơ hát Xoan chính thức được gửi lên UNESCO. Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, chuyên gia về di sản, người đã tham gia xây dựng hồ sơ hát Xoan từ những ngày đầu tiên nhận định: Việc hát Xoan được thế giới vinh danh một lần nữa khẳng định những giá trị đặc sắc và tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.
“Tôi rất vui bởi thực sự ra, đối với chúng tôi, đây là một hồ sơ tương đối khó. Khó bởi khi điền dã, khảo sát thì mọi người thấy rằng Xoan quá mong manh, nhưng rất may Xoan đã được phục hồi và chúng ta đã đưa ra đủ chứng lý để bảo vệ hát Xoan. Và họ cũng ghi nhận sự thành công của chúng ta trong việc xây dựng các chương trình hành động với sự tham gia của cộng đồng. Tôi vui lắm”, TS.Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia, Thành viên xây dựng hồ sơ hát xoan Phú Thọ Việt Nam nói.
Trong hai ngày họp, UNESCO chỉ công nhận 10 trong tổng số 23 hồ sơ di sản xét duyệt của năm 2011, đó là các di sản đến từ Việt Nam, Indonesia, Iran, Trung Quốc, Brazil, Mali, Mauritus, Mông Cổ và Các tiểu vương Quốc Ả rập thống nhất. UNESCO cũng khuyến nghị, sau khi được công nhận, điều quan trọng nhất là các quốc gia này phải nghiêm túc xây dựng kế hoạch hành động bảo tồn di sản.
Tin liên quan:

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước