Hậu quả bom mìn - Những thống kê lạnh lùng

Xuân Tùng-Thứ năm, ngày 08/12/2011 07:00 GMT+7

Từ năm 1989 đến nay, Mỹ đã hỗ trợ VN 62 triệu USD cho chương trình khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Tuy nhiên, sự hỗ trợ này là rất khiêm tốn so với những gì mà phía Việt Nam đang phải đối mặt.

Góp sức khắc phục hậu quả bom mìn có nghĩa giảm thiểu những hoàn cảnh thương tâm. Ảnh: chinhphu

Bù đắp chưa đủ...
Chiều qua, theo giờ Việt Nam, kênh truyền hình Mỹ CNN đã có cuộc phỏng vấn trực tiếp với ông Justin Brady, Tổng giám đốc Cơ quan LHQ về dịch vụ khắc phục bom mìn từ New York và bà Nguyễn Phương Thảo, Trưởng đại diện Quỹ cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam từ Hà Nội trong chương trình tin quốc tế International Desk.
Chương trình này cũng đã đưa tin đậm nét về Hội nghị các nhà tài trợ khắc phục hậu quả của bom mìn, vật nổ tại Việt Nam diễn ra hôm thứ hai vừa qua dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Trả lời trực tiếp CNN, bà Thảo cho biết, từ năm 1989 đến nay, Mỹ đã hỗ trợ 62 triệu USD cho chương trình này. Tuy nhiên, sự hỗ trợ này rất khiêm tốn so với những gì mà phía Việt Nam đang phải đối mặt để khắc phục hậu quả bom mìn.
Những thống kê lạnh lùng
Thị trấn Hướng Hóa (Quảng Trị), trong chiến tranh là vùng chiến sự ác liệt, đó cũng là lý do mà cho đến tận ngày nay người ta vẫn dễ dàng tìm thấy bom đạn dưới lòng đất. Và trên hành trình tái chế, chúng được tập kết tại những điểm thu mua phế liệu. Ở đây người ta có thể gặp tất cả mọi thứ, vỏ đạn pháo, những khẩu súng rỉ sét, thậm chí cả thiết bị điện tử của hàng rào Mac Namara nổi tiếng.
Ông Nguyễn Phúc, chủ cửa hàng phế liệu ở Hướng Hóa cho biết: "Tôi cũng nói những người bốc xếp phải cẩn thận với những quả đạn còn mới để rồi báo đội rà phá bom mìn thu gom đi phá hủy”. Được hỏi "có sợ không", ông lắc đầu "không sợ".
Người ta vẫn ý thức như vậy khi tiếp xúc với bom mìn và điều đó dẫn đến một thống kê lạnh lùng và không thể tin nổi, mỗi năm nước ta có hơn 1.500 người chết do bom mìn còn sót lại sau chiến tranh.
Diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn cũng còn rất lớn, chiếm tới trên 20% diện tích cả nước, gây nhiều khó khăn cho sản xuất và đời sống của nhân dân. Đặc biệt nó kìm hãm sự phát triển của đất nước, bởi không thể sử dụng diện tích đất còn bom mìn vào bất kể việc gì.
Ngay sau chiến tranh, đất nước ta đã bắt tay và công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh. Hàng triệu quả bom, mìn và vật nổ các loại đã được thu gom, hàng trăm nghìn ha đất đã được làm sạch. Trên hành trình ấy, chúng ta cũng nhận được sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế. Hiện nay việc khắc phục hậu quả bom mìn đã trở thành Chương trình hành động Quốc gia với mong muốn lớn nhất là Việt Nam sẽ trở thành đất nước không còn bị tác động bởi bom mìn, vật liệu nổ và tạo mọi điều kiện để nạn nhân bom mìn hòa nhập cuộc sống.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước