Việc đánh giá tín nhiệm được dựa trên hai tiêu chí, đó là: năng lực lãnh đạo điều hành gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao và phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống cá nhân.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị nhấn mạnh, kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ là kênh thông tin quan trọng để Thành ủy xem xét, đánh giá, quy hoạch bố trí và sử dụng cán bộ. “Bỏ phiếu tín nhiệm làm cho lãnh đạo phải cố gắng, nâng cao trách nhiệm, nâng cao năng lực, trau dồi đạo đức, nếu không giữa hai lần bỏ phiếu tín nhiệm thấp thì phải thay, phải từ chức”.
‘ Ảnh: VOV
Cũng tại kỳ họp này, các đại biểu sẽ cho ý kiến về báo cáo thường kỳ kinh tế - xã hội, trong đó đáng chú ý là tổng sản phẩm trên địa bàn 6 tháng đầu năm ước tăng 7,67%, đây là mức tăng thấp hơn so với kế hoạch năm là 8-8,5%. Cùng với đó là tỷ lệ thu ngân sách của Thành phố hiện đang ở mức rất thấp - chỉ bằng 38,8% dự toán. Sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục khó khăn với số doanh nghiệp ngừng hoạt động còn lớn.
Lo ngại trước tình trạng này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, Hà Nội cần tập trung vào các giải pháp để thực hiện thu - chi ngân sách theo đúng dự toán, cố gắng không để hụt thu lớn làm ảnh hưởng đến cân đối ngân sách.
Cùng với việc cho ý kiến vào các nội dung liên quan đến việc thực hiện Luật Thủ đô có hiệu lực từ 1/7, trong 1 tuần làm việc, HĐND Thành phố sẽ xem xét, quyết nghị nhiều nội dung tác động trực tiếp và lâu dài đến sự phát triển của Thủ đô và đời sống dân sinh mà trọng tâm là Chương trình phát triển nhà ở, xem xét các biện pháp nhằm cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ; đồng thời quyết nghị việc điều chỉnh giá một số dịch vụ khám, chữa bệnh áp dụng cho cơ sở y tế công lập và điều chỉnh phí trước bạ lần đầu đối với ô tô con xuống mức 12%.