Một lớp học hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân được đặc xá.
Bởi sau 1 thời gian cải tạo, chấp hành ngiêm chỉnh nội quy trong trại giam, họ đã được trao cơ hội để sớm làm lại cuộc đời. Tuy nhiên, càng gần đến ngày được đặc xá, rất nhiều phạm nhân lại lo lắng vì không biết: Liệu khi ra khỏi đây, họ sẽ mất bao nhiêu thời gian để có thể hòa nhập cộng đồng.
8 năm 6 tháng 2 ngày là thời gian Khuất Trọng Chiến, Phân trại 2, Trại giam Quyết Tiến, Sơn Dương (Tuyên Quang) phải trả cho tội danh cướp tài sản. Cũng chừng ấy thời gian, Chiến dần làm quen với mọi công việc cải tạo trong trại giam. Từ 1 thanh niên chỉ quen chơi bời, nay Chiến là nhóm trưởng của nhóm phạm nhân chăm sóc ao cá. Bước vào trại giam khi 20 tuổi, nay chuẩn bị bước ra khi 25 - vẫn còn trẻ để bắt đầu 1 cuộc sống mới, nhưng Chiến lại sợ xã hội không chấp nhận mình.
Phạm nhân Khuất Trọng Chiến cho biết: “Thực sự khi bước chân ra ngoài đời, chỉ sợ mọi người xa lánh. Bạn bè lại rủ rê vào con đường cũ, mình lại mắc phải. Thực sự mình rất sợ…”
57 tuổi, bà Thơm được tin lên chức bà nội khi đang trả án buôn bán phụ nữ. 6 năm ở đây, bà luôn tự nhủ: Cố gắng cải tạo tốt để sớm ra ngoài gặp con, biết mặt cháu. Nhưng, giờ khi chỉ còn vài ngày nữa, bà lại lo: Sẽ đối diện như thế nào với những người thân quen, phải làm sao để họ quên đi tội lỗi của bà trong quá khứ - người đã lừa không ít phụ nữ nhẹ dạ cả tin.
Phạm nhân Nguyễn Thị Thơm, Phân trại 2 Trại giam Quyết Tiến, Sơn Dương (Tuyên Quang): “Tôi cứ nghĩ tôi từ cõi chết trở về. Con trai có, con dâu có, cháu nội, cháu ngoại có. Chỉ mong sao về nhà được tất cả cộng đồng đón nhận, được gặp con, gặp cháu, gặp chồng...”
Những ngày này, tại nhiều trại giam, các lớp hòa nhập cộng đồng dành cho phạm nhân đặc xá được tổ chức. Nội dung của buổi học là kỹ năng sống, các quan hệ xã hội, về cách phòng tránh sự lôi kéo, rủ rê của bạn xấu. Ngoài nghề đã học được trong trại, đây cũng là hành trang trở về với cộng đồng của các phạm nhân.
Thượng tá Nguyễn Hữu Giáp, Phó Giám thị phụ trách Phân trại số 2, Trại giam Quyết Tiến, Sơn Dương (Tuyên Quang) cho biết: “Tại những lớp tại hòa nhập cộng đồng, chúng tôi đã nói với phạm nhân việc các anh, chị cần phải làm trong thời gian tới để họ ổn định tư tưởng, tránh kì thị của xã hội. Muốn làm cái này cần có sự góp sức, chung tay của cả cộng đồng. Ví dụ như việc làm, chúng tôi hiện đã liên lạc với các doanh nghiệp, để họ có thể giúp đỡ phạm nhân... Hòa nhập xong, phạm nhân cũng cần ổn định cuộc sống!”.
Rất nhiều phạm nhân ở đây vẫn nói rằng, thời gian vào trại là 1 kỳ nghỉ đặc biệt, kì nghỉ ấy có thể kết thúc trước thời hạn nếu như họ đã chuẩn bị đủ sẵn sàng để quay lại với cộng đồng. Còn với bà Thơm, bà đang có dự định sau khi được đặc xá, sẽ mở 1 xưởng làm thêu và đính hạt cườm, tạo cơ hội cho chính bà và những người từng lầm lỡ như mình làm lại cuộc đời.