Quang cảnh buổi họp.
Chủ trương thu hút các thành phần kinh tế tham gia phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là đúng đắn và cần thiết. Những sai sót vừa qua trong việc thực hiện các dự án BOT giao thông chủ yếu thuộc về quản lý Nhà nước, trong đó lý do chính là hệ thống pháp luật còn thiếu sót, chưa hoàn thiện. Đó là nhấn mạnh của nhiều đại biểu trong phiên họp giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT)" của Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các thành viên Chính phủ vào sáng 15/8.
Qua giám sát các dự án BOT giao thông tại 16 tỉnh thành trong nửa năm qua, đoàn giám sát đã nhấn mạnh đến 13 bất cập, hạn chế trong việc thu hút và quản lý như: sự thiếu minh bạch trong tính phí, vị trí đặt các trạm thu phí không đúng quy định, chất lượng không đảm bảo của một số công trình BOT giao thông, khó khăn trong thu hút các nguồn vốn hoặc bất cập năng lực tài chính của các nhà đầu tư...
Những bất cập, hạn chế này đang đặt ra đòi hỏi cấp thiết về việc hoàn thiện thể chế bởi khung pháp lý điều chỉnh hình thức đầu tư đối tác công tư PPP nói chung, trong đó có BOT, mới chỉ dừng lại ở nghị định chứ chưa nâng lên thành luật. Bên cạnh đó, rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật còn nằm rải rác ở các luật, các nghị quyết khác nhau dẫn đến xung đột, chồng chéo và thiếu ổn định.
Theo dự kiến, vào chiều 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết giám sát.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!