Hoạt động xây đảo nhân tạo trên biển Đông là vi phạm luật pháp quốc tế

Kim Dung - Ngọc Hà - Hoàng Vũ (Ban Thời sự)-Thứ bảy, ngày 25/07/2015 21:51 GMT+7

Ảnh: Báo Lao động

VTV.vn - Các học giả nhận định: Động thái xây dựng các công trình nhân tạo quy mô rất lớn tại 7 nơi trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam là vi phạm luật pháp quốc tế.

Tại hội thảo quốc tế về "xây dựng công trình nhân tạo trên biển Đông và tác động đối với hòa bình, an ninh, kinh tế, thương mại của khu vực" do Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với trường Đại học Luật TP.HCM tổ chức, các học giả đều đưa ra nhận định: Động thái xây dựng các công trình nhân tạo quy mô rất lớn tại 7 nơi trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam là vi phạm luật pháp quốc tế.

Đồng chủ trì hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Erick Frankx, Thành viên của Tòa trọng tài thường trực quốc tế La Haye, Hà Lan khẳng định trước 200 học giả rằng, việc xây đảo nhân tạo trên biển Đông ảnh hưởng đến quyền của cả nhân loại.

Ông nói: "Nguyên tắc quan trọng mà chúng tôi luôn khẳng định là chúng ta không thể biến đổi thực trạng của thiên nhiên từ dạng này sang dạng khác bằng hành vi nhân tạo, bởi vì nó ảnh hưởng quyền của nhân loại chứ không chỉ là quyền của một quốc gia riêng biệt".

TS. Ngô Hữu Phước, Trưởng bộ môn Công pháp quốc tế, Đại học Luật TP.HCM cho rằng: "Tất cả các điều khoản về xây dựng đảo và công trình thiết bị nhân tạo theo quy định của Luật quốc tế không bao giờ cho phép và thừa nhận các quốc gia sử dụng các hoạt động xây dựng nhân tạo để xác lập chủ quyền của quốc gia đó trên vùng biển như đối với một đảo tự nhiên".

Nhiều học giả, chuyên gia quân sự lo ngại sự phá vỡ nguyên trạng các đảo này sẽ tác động tiêu cực đối với hòa bình, an ninh, môi trường và đặc biệt là ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền tự do hàng hải, tự do hàng không trên biển Đông.

Phó Đô đốc Anup Signh, Nguyên Tổng tư lệnh Lực lượng Hải quân miền Đông Ấn Độ nói: "Có 3 điểm mà chúng ta cần lưu ý: Việc xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc tác động xấu đến môi trường. Thứ hai, việc xây dựng đảo có mục tiêu quân sự làm cho các nước trong khu vực đều chạy đua vũ trang, làm tình hình nóng lên, điều đó tác động không tốt đến hòa bình và an ninh khu vực. Thứ ba, khu vực biển Đông trung chuyển hàng hóa giá trị hàng trăm nghìn tỷ USD qua đây mỗi năm, việc xây đảo nhân tạo để quản lý và kiểm soát khu vực biển có tác động tiêu cực đối với tự do hàng hải và thương mại".

Tác động tiêu cực của hành vi bồi đắp, tôn tạo và xây dựng đảo nhân tạo trên biển Đông đang đe dọa hòa bình, an ninh khu vực và thế giới. Vì thế giải pháp xử lý vấn đề này thông qua đối thoại hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế được nhiều học giả cho rằng, đây là giải pháp tối ưu.

Theo GS.TS. Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng trường Đại học Luật TP.HCM: “Các diễn giả đã đánh giá sâu sắc các tác động tiêu cực của hành vi xây dựng đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc trên vùng biển Đông đối với hòa bình, an ninh khu vực".

Tại hội thảo, các học giả cũng khuyến cáo các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ASEAN cần đoàn kết để có tiếng nói phản đối mạnh mẽ hơn nữa hành vi xây đảo trái phép nhằm tránh tạo ra một tiền lệ nguy hiểm và lên tiếng vì lợi ích chung của cả khu vực.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

 

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước