Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân

Đăng Học-Thứ ba, ngày 27/03/2012 14:40 GMT+7

Sáng nay (27/3), Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ 2 đã chính thức họp phiên toàn thể tại Seoul, Hàn Quốc. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo hơn 50 quốc gia và các tổ chức quốc tế đã tham dự.

Với chủ đề Các biện pháp quốc gia và hợp tác quốc tế để tăng cường an ninh hạt nhân cùng sự có mặt của các nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ của 50 quốc gia trên thế giới, có thể thấy cơ chế cấp cao về an ninh hạt nhân đã nhận được sự quan tâm gần như của toàn thế giới và lớn hơn so với nhiều cơ chế hợp tác toàn cầu hiện nay, trừ Liên hợp quốc.

Lí do mà các nhà lãnh đạo thế giới quan tâm và tham dự hội nghị này ngày càng đông đảo là vì vấn đề an ninh và an toàn hạt nhân đang là chủ đề nóng, nhất là sau sự cố hạt nhân tại Fukushima (Nhật Bản) tháng 3 năm ngoái. Những điểm nóng về hạt nhân chưa giảm nhiệt và tình hình phức tạp, khó dự đoán bởi nhiên liệu hạt nhân bị phát tán, dẫn đến nguy cơ nguồn nhiên liệu nguy hiểm này có thể rơi vào tay các tổ chức khủng bố và tội phạm quốc tế.
Theo Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), năm 2011, thế giới có khoảng 1.600 tấn Urani làm giàu ở cấp độ cao, 500 tấn plutoni được phân tách, đủ chế tạo 100 ngàn đầu đạn hạt nhân. Nguy hiểm là ở chỗ, nguồn nguyên liệu này bị phân tán và các kỹ thuật chế tạo vũ khí nguyên tử được truyền bá rộng rãi. Cũng theo IAEA, tại 31 nước trên thế giới hiện có 440 lò phản ứng hạt nhân để sản xuất ra 2,6 ngàn tỷ kwh điện mỗi năm, tuy nhiên, các nhà máy này không chỉ phải đối mặt và ứng phó với các nguy cơ khủng bố, mà còn là những thảm họa thiên nhiên khủng khiếp có thể xảy ra.
Với lí do này, chủ đề của phiên họp tại hội nghị hôm nay bàn về các biện pháp quốc gia và hợp tác quốc tế để tăng cường an ninh hạt nhân, nói cách khác là tăng cường ý chí chính trị và thiện chí hợp tác để đảm bảo an toàn và an ninh hạt nhân. Ủng hộ cách tiếp cận này, quan điểm nhất quán của Việt Nam được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại hội nghị là chỉ sử dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích hòa bình, đồng thời có trách nhiệm và đóng góp thiết thực vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc bảo đảm an ninh, an toàn hạt nhân, không phổ biến vũ khí hạt nhân, thúc đẩy cho nỗ lực một Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân và giải trừ vũ khí hạt nhân trên thế giới.
Nhấn mạnh việc tôn trọng quyền của các quốc gia đang phát triển trong việc ứng dụng năng lượng hạt nhân an toàn, an ninh tại hội nghị, Việt Nam cũng khẳng định mong muốn của mình trong việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hoà bình. Với việc chuẩn bị xây dựng và đưa vào vận hành lò phản ứng để phát điện đầu tiên trong 8 năm tới và mục tiêu đạt 15.000 MW công suất điện hạt nhân vào năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia trong câu lạc bộ hạt nhân của thế giới. Do đó, hợp tác quốc tế còn giúp Việt Nam có thêm cơ sở để bảo đảm an ninh, an toàn hạt nhân của chính mình.
Tin liên quan:

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước