Hơn 4.600 ca ghép tạng được thực hiện trên cả nước

Minh Đức-Thứ năm, ngày 19/12/2019 12:00 GMT+7

VTV.vn - Theo thống kê, trong khoảng hơn 4.600 ca ghép tạng, số ca ghép thận là gần 4.000 ca, ghép tủy gần 600 ca, còn lại là ghép gan, ghép tim, phổi và các loại mô tạng khác.

Tính đến tháng 9/2019, cả nước đã thực hiện được hơn 4.600 ca ghép tạng, trong đó ghép thận gần 4.000 ca, ghép tủy hơn 500 ca, còn lại là ghép gan, ghép tim, phổi và các loại mô tạng khác. Riêng năm 2019, tổng số ca ghép tạng là hơn 520 ca.

Tuy nhiên, phần lớn số ca ghép này là từ người cho sống. Hiện nay, rất nhiều người bệnh vẫn đang mòn mỏi chờ đợi tạng hiến để được ghép.

Được biết, đến nay Việt Nam có 19 trung tâm ghép tạng và đạt được những tiến bộ vượt bậc về kỹ thuật lấy, ghép mô, tạng. Ngoài ra, hiện cả nước đã có hơn 30.000 người đăng ký hiến tạng, tăng 10.000 người so với thời điểm cuối năm 2018.

Trung tướng, GS.TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, mặc dù khởi đầu chậm 27 năm so với quốc tế trong lĩnh vực ghép tạng nhưng đến nay Việt Nam đã có 19 trung tâm ghép tạng và đạt được những tiến bộ vượt bậc cả về kỹ thuật lấy, ghép mô, tạng.

Theo số liệu thống kê, trong khoảng hơn 4.600 ca ghép tạng, số ca ghép thận là gần 4.000 ca, ghép tủy gần 600 ca, còn lại là ghép gan, ghép tim, phổi và các loại mô tạng khác. Riêng năm 2019, tổng số ca ghép tạng là 521 ca. Tuy nhiên, số ca ghép này, phần lớn là từ người cho sống. Số người đăng ký hiến tạng sau khi chết, chết não tính đến hết năm 2018 là gần 20.000 trường hợp.

Đặc biệt, năm 2018, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã ghi thêm một cột mốc trong ngành ghép tạng Việt Nam khi lần đầu tiên thực hiện thành công ca ghép phổi từ người cho chết não, cùng với sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài. Năm 2019, Bệnh viện Trung ương Huế đã thực hiện thành công đồng thời 2 ca ghép tạng xuyên Việt (1 ghép tim và 1 ghép gan) từ một người cho chết não tại Hà Nội.

Tại Bệnh viện Việt Đức, lần đầu tiên cũng đã thực hiện chia gan từ người cho chết não để ghép cho hai người bệnh suy gan và ung thư gan."Việt Nam đang dần làm chủ kỹ thuật lấy, ghép mô, tạng, tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là ngành ghép tạng Việt Nam đang đứng trước thực trạng thiếu trầm trọng nguồn mô tạng để cấy ghép.

Bên cạnh đó còn xuất hiện tình trạng "cò mồi" trong mua bán nội tạng. Điều đáng nói là trong khi ở các nước phát triển, có tới hơn 90% nguồn cung cấp mô, tạng là từ các bệnh nhân chết não, chết tuần hoàn thì ở Việt Nam nguồn mô, tạng chủ yếu vẫn từ người cho sống, mặc dù số lượng đăng ký hiến tạng đã gấp đôi so với năm 2016 nhưng so với hơn 90 triệu dân thì đây vẫn là con số còn rất bé nhỏ.

Theo thống kê của Trung tâm điều phối quốc gia về ghép tạng, tính toàn bộ quá trình phát triển của ngành ghép tạng nước ta đến tháng 8/2019, số ca hiến tạng từ người cho chết não, chết tuần hoàn mới chỉ khoảng 223 trường hợp.

Nguyên nhân được chỉ ra vẫn là do suy nghĩ tâm linh của nhiều người là khi qua đời, hiến tạng thì sẽ không trọn vẹn thân thể, một số mặc cảm và sợ mang tiếng. Để thay đổi được những suy nghĩ này cần có sự ủng hộ của xã hội và các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ về bản chất của việc hiến tạng và ý nghĩa to lớn của nghĩa cử cao đẹp này.

Theo các chuyên gia ghép tạng, mục tiêu đến năm 2020 và những năm tiếp theo, các trung tâm ghép tạng trên cả nước sẽ triển khai nghiên cứu, ứng dụng và phát triển đồng bộ các kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người như ghép chi thể, ruột, tử cung..., đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước