Sáng 4/1, cuộc họp thường niên Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam lần thứ 42 đã diễn ra tại Hà Nội. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith chủ trì cuộc họp.
Tại kỳ họp, hai bên thống nhất đánh giá việc thực hiện các Thỏa thuận hợp tác Việt Nam - Lào cơ bản đạt được mục tiêu đề ra, hợp tác giữa Việt Nam và Lào ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, ngoại giao đến an ninh quốc phòng, giáo dục đào tạo và thương mại, đầu tư.
Trong đó, đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam vào Lào tiếp tục đóng góp tích cực cho kinh tế - xã hội của Lào. Hiện phía Lào đã cấp giấy phép cho trên 400 dự án của doanh nghiệp Việt Nam, với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt gần 5 tỷ USD, đứng vị trí thứ 3 trong số các nhà đầu tư tại Lào sau Trung Quốc và Thái Lan, nhiều dự án tiếp tục hoạt động đạt hiệu quả tốt.
Về thương mại kim ngạch song phương đã vượt mốc 1 tỷ USD, tăng trên 12% so với năm ngoái. Hai bên tiếp tục phối hợp tốt trong triển khai các ưu đãi của các Hiệp định trao đổi thương mại, tạo thuận lợi cho phương tiện, hàng hóa qua lại biên giới; tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại và hội chợ, triển lãm.
Trong khi đó, hợp tác công nghiệp, năng lượng giữa hai nước được quan tâm, thúc đẩy, đạt được một số kết quả tích cực. Hiện Việt Nam đã tích cực triển khai mua điện từ các nhà máy thủy điện cũng như điện gió của Lào. Còn trong lĩnh vực giao thông vận tải, hai nước đã tích cực phối hợp nghiên cứu và thúc đẩy tìm kiếm nguồn vốn triển khai các dự án trọng điểm trong đó có xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Vientiane và xây dựng tuyến đường sắt Vũng Áng - Vientiane. Trong khi đó, dự án xây dựng Sân bay Nọng Khang đã hoàn thành khoảng 98% khối lượng dự kiến sẽ sẽ sớm đưa vào sử dụng. Đối với hợp tác giáo dục đào tạo một điểm sáng trong quan hệ hai nước, năm ngoái Việt Nam đã Nam dành trên 1.200 suất học bổng cho lưu học sinh Lào, đưa số lưu học sinh Lào đang học tập tại Việt Nam lên trên 16.000 người
Đánh giá cao các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp của hai nước đã nỗ lực thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực giữa Việt Nam và Lào, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Thongloun Sisoulith nhất trí một số nội dung hợp tác quan trọng nhằm cụ thể hóa các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước tạo thuận lợi và nâng cao hiệu quả hợp tác hướng tới thực hiện thành công Kế hoạch hợp tác năm 2020 và phấn đấu hoàn thành tốt Chiến lược hợp tác 10 năm từ 2011-2020 và Hiệp định hợp tác 5 năm giai đoạn 2016-2020, đồng thời, xây dựng Chiến lược hợp tác 10 năm và Hiệp định hợp tác 5 năm giai đoạn tới theo hướng đổi mới, thiết thực, hiệu quả.
Hai Ủy ban hợp tác Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam cũng nhất trí cần có giải pháp nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư- thương mại do hai lĩnh vực này có mối tương quan mật thiết với nhau. Vì thế, ngoài việc quan tâm hỗ trợ, giải quyết các khó khăn trước mắt cho doanh nghiệp, liên quan đến nguồn vốn, thuế, xuất nhập khẩu hàng hóa, thiết bị, lao động, thuê đất, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, hai bên cần phối hợp tạo lập một hành lang pháp lý ổn định, minh bạch, môi trường kinh doanh thuận lợi, tạo lập niềm tin của các nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án. Đặc biệt là hai bên cần có những cơ chế đặc thù cho một số dự án trọng điểm có tính chất đòn bẩy về hợp tác kinh tế giữa hai nước; đảm bảo về an ninh-quốc phòng của hai bên.
Hai Ủy ban cũng nhất trí tăng cường công tác xúc tiến đầu tư thương mại; tập trung thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch thương mại, phấn đấu đạt mức tăng ổn định, đi cùng với phối hợp xây dựng Thỏa thuận về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam - Lào; trao đổi về phương án đàm phán sửa đổi Hiệp định Thương mại, Hiệp định Thương mại biên giới trong thời gian tới cho phù hợp với tình hình thực tế.
Hai bên cũng nhất trí tạo thuận lợi hơn nữa về thủ tục thông quan người và hàng hóa tại các cặp cửa khẩu hai nước; hỗ trợ các thương nhân tổ chức hệ thống phân phối vào sâu trong thị trường nội địa của Việt Nam và Lào, đồng thời tăng cường phối hợp ngăn chặn, đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới giữa hai nước, đặc biệt đối với những mặt hàng như thuốc lá, gỗ, lâm sản, động vật hoang dã, đường, xăng dầu, hàng giả, hàng kém chất lượng, đi cùng với tiếp tục rà soát, đánh giá và tìm giải pháp nhằm đảm bảo thuận lợi thương mại và nâng cao hiệu quả quản lý mô hình ''Một cửa, một lần dừng'' tại cặp cửa khẩu Lao Bảo - Đen-sa-vẳn.
Hai Ủy ban hợp tác liên chính phủ cũng nhất trí đẩy nhanh việc kết nối giao thông giữa hai nước; trước mắt tập trung nghiên cứu xây dựng và nâng cấp tuyến đường kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây và kết nối với khu vực trong dự án phát triển giao thông vận tải trong các nước ASEAN và Tiểu vùng Mekong mở rộng, đồng thời phối hợp chặt chẽ đề nghị phía Nhật Bản xem xét triển khai thực hiện dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Vientiane.
Hai bên cũng nhất trí nâng cao chất lượng hợp tác giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; Việt Nam sẽ dành ít nhất 1.000 suất học bổng; tiếp tục cử giáo viên sang dạy tiếng Việt tại Lào, đồng thời hỗ trợ kinh phí để đào tạo dự bị tiếng Việt 4 tháng tại Lào.
Hai bên cũng nhất trí tiếp tục tăng cường trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau về xây dựng chính sách giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường nguồn thu ngân sách, đi cùng với tăng cường hợp tác về quốc phòng, an ninh giữ vững ổn định chính trị xã hội, bảo vệ và làm tốt công tác biên giới và tăng cường quan hệ đối ngoại song phương, ủng hộ, phối hợp lập trường của nhau và hợp tác trên các diễn đàn đa phương, trọng tâm là ASEAN.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, ngay sau kỳ họp này, Thủ tướng sẽ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với các đối tác Lào, triển khai có hiệu quả các cam kết, đồng thời tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp đầu tư, sản xuất và kinh doanh hiệu quả tại Lào.
Trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, hai bên đã ký 9 văn bản hợp tác, trong đó có Thỏa thuận về kế hoạch hợp tác giữa hai Chính phủ trong năm 2020 và Biên bản của kỳ họp này.
Hai bên cũng ký Hiệp định giữa hai Chính phủ về chuyển giao người bị kết án phạt tù; Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công chính và Vận tải Lào cùng với Kế hoạch hợp tác giáo dục trong năm 2020. Hai Thủ tướng cũng chứng kiến lễ ký kết Hợp đồng Việt Nam mua điện từ nhà máy thủy điện Nam Kong 2, 3, Nam Y Mun, Namsan 3A và Namsan 3B của Lào và lễ trao Biên bản ghi nhớ về hợp tác nghiên cứu phát triển nhà máy nhiệt điện than có công suất 2.000 MW tại tỉnh Khammouan.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!