Tảo hôn và hôn nhân cận huyết ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống và chất lượng dân số. Ảnh: ANTĐ
Hiểu một cách đơn giản là, anh em họ, những người có cùng dòng máu trực hệ lấy nhau. Tình trạng này còn khá phổ biến ở các dân tộc Lô Lô, Si La, Pupéo, Brâu, Ơđu... là một trong những nguyên nhân làm suy thoái chất lượng giống nòi, bởi theo nhiều nghiên cứu, những đứa trẻ sinh ra từ các cuộc hôn nhân cận huyết thống dễ có nguy cơ mang các bệnh di truyền.
Đôi vợ chồng già người Lô Lô sống tại xóm Sảng Pả, thị trấn Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang lấy nhau đã hơn 30 năm nay. Có điều, ông chồng lại chính là anh họ của bà vợ.
Ông Lò Sỉ Páo, Trưởng xóm Sảng Pả, thị trấn Mèo Vạc cho biết: “Những cuộc hôn phối con cô, con cậu đã thành tục lệ lâu đời của người dân tộc Lô Lô, bởi họ hàng cùng dòng máu có lấy nhau thì mới thương nhau, mới giữ được của nả trong nhà. Tổ tiên truyền lại rằng, lấy trong họ tộc để không mang của nả sang họ khác, vợ chồng cũng không bỏ nhau…”
Xóm Sảng Pả nằm giữa thị trấn Mèo Vạc, có 4 cặp vợ chồng là anh em họ. Ngược lên vùng núi cao hơn, xóm Cờ Tảng, xã Xín Cái, nằm cách thị trấn Mèo Vạc 25km có 26 nóc nhà, thì có đến 10 cặp vợ chồng là con cô lấy con cậu.
Chị Lù Thị Nhinh là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Xín Cái lâu năm, có nhiệm vụ tuyên truyền cho bà con hiểu những kiến thức về dân số cũng như tác hại của việc kết hôn trong vòng ba đời cũng cho rằng, khó tuyên truyền lắm... Tuy nhiên, cậu con trai cả của chị cũng vừa kết hôn với cô con gái của em trai chị. Cuộc hôn nhân cận huyết thống mà do phụ huynh là cán bộ phụ nữ, dân số sắp xếp.
Theo TS.Dương Bá Trực, Trưởng khoa Huyết học Di truyền, Bệnh viện Nhi Trung ương: “Những đứa trẻ sinh ra từ các cặp vợ chồng hôn nhân cận huyết thống dễ có nguy cơ mắc các bệnh di truyền do sự kết hợp của các gen mang bệnh. Bệnh tan máu bẩm sinh là một ví dụ, trẻ có thể bị biến dạng xương mặt, bụng phình to, nguy cơ tử vong rất cao”.
Theo một điều tra mới nhất của Tổng cục Dân số vừa thực hiện 3 tháng gần đây tại 4 tỉnh Cao Bằng, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu ở một số dân tộc như Lô Lô, Si La, Pupéo, cứ 100 cặp vợ chồng, có tới 13 cặp là hôn nhân cận huyết thống, thậm chí trong đó có hơn 1 đôi là anh em ruột lấy nhau. Một mô hình can thiệp tiến tới xóa bỏ hình thức hôn nhân lạc hậu này đang được Tổng cục Dân số tại 5 tỉnh miền núi phía Bắc và Tây nguyên tiến hành. Tuy nhiên, để thay đổi nhận thức, thay đổi tập tục vẫn là cả quá trình.