Toàn cảnh phiên họp.
Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định, nền kinh tế đang bị tác động mạnh bởi dịch bênh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra, thế nhưng Chính phủ chưa tính đến việc điều chỉnh các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh lại quan điểm nhất quán là Chính phủ có thể hy sinh một phần tăng trưởng kinh tế để thực hiện các biện pháp chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, nhằm bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân. Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch bệnh này đang tác động trực tiếp tới xuất khẩu, du lịch, hàng không, dầu khí và nông nghiệp trước mắt lẫn lâu dài. Vì hiện nay, 24% xuất khẩu nông sản của Việt Nam là sang Trung Quốc với trị giá khoảng 8,5 tỷ USD. Còn khách du lịch Trung Quốc chiếm khoảng 25% tổng số khách du lịch nước ngoài tới Việt Nam. Vì vậy, du lịch trong quý I có thể giảm khoảng 70%. Theo ước tính sơ bộ, do tháng 1 chỉ làm việc 18 ngày và nếu dịch bệnh này được dập tắt sớm thì tăng trưởng kinh tế trong quý I có thể chỉ đạt 6,27%, giảm 0,53% và tăng trưởng kinh tế cả năm nay có khả năng khó đạt được mục tiêu 6,8%.
Trước những khó khăn và thách thức rất lớn này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, không có gì là không thể, nên Chính phủ sẽ không hoang mang, dao động mà sẽ quyết tâm thể hiện với thế giới bản lĩnh, ý chí và trí tuệ của Chính phủ Việt Nam vừa phòng chống dịch tốt, vừa bảo đảm tăng trưởng kinh tế, đúng như cam kết với Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Các thành viên Chính phủ đều nhất trí với việc Thủ tướng Chính phủ ban hành những biện pháp mạnh mẽ nhất từ trước tới nay để phòng chống dịch viêm phổi cấp trong cả nước. Các tổ chức quốc tế đánh giá đây là các biện pháp rất đúng, cần thiết và kịp thời. Nếu không thực hiện những biện pháp mạnh như cách ly người trở về từ vùng dịch, để ngăn ngừa dịch lây lan trong cộng đồng thì hậu quả sẽ rất nặng nề và kéo dài.
Các thành viên Chính phủ cũng nhất trí với Thủ tướng lúc này chưa tính đến việc điều chỉnh các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu, mà cần bình tĩnh đưa ra các giải pháp khắc phục khó khăn cụ thể cho từng ngành hàng. Bởi dự báo ban đầu cho thấy kinh tế Trung Quốc hiện chiếm trên 16% kinh tế toàn cầu sẽ bị thiệt hại khoảng 160 tỷ USD và tăng trưởng có thể giảm từ 0,3 - 1%. Do đó, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ bị tác động mạnh. Vì vậy, Chính phủ cần tính đến các giải pháp kích cầu du lịch, mở rộng thị trường trong nước, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và vốn ODA. Cùng với 20% vốn của năm 2018 chưa giải ngân cộng với tổng vốn của năm nay, nếu giải ngân hết thì sẽ bù đắp được một phần sụt giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh. Bởi như năm 2003, khi dịch SARS xảy ra, du lịch, xuất khẩu của Việt Nam dù có giảm nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát.
Cùng với đánh giá cao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã sớm thảo luận các giải pháp để tái cơ cấu thị trường xuất khẩu và sản xuất nông nghiệp, còn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tái cơ cấu nợ để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các ngành sản xuất và dịch vụ cần tăng cường tái cơ cấu sản xuất, thị trường xuất khẩu để thích nghi với tình hình mới.
Trên tinh thần Chính phủ phải bàn tiến, chứ không bàn lùi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao và các tỉnh biên giới tăng cường trao đổi với Trung Quốc để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, bảo đảm thông thương nhằm hạn chế thấp nhất việc gián đoạn nguồn cung từ Trung Quốc cho các chuỗi sản xuất nhưng vẫn phải đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định của hai nước về kiểm dịch và cách ly người từ vùng dịch. Vì khi đã đưa ra mục tiêu xuất khẩu 300 tỷ USD trong năm nay, thì một tháng phải xuất khẩu được khối lượng hàng hóa trị giá gần 30 tỷ USD, nên sơ sẩy là rất phức tạp. Thủ tướng cho biết, tại Lạng Sơn, hôm nay (5/2), sẽ giải tỏa được đoàn xe 300 chiếc trở thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc, nên tình trạng ùn ừ sẽ cơ bản được giải quyết.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quyết tâm của Chính phủ và Chính quyền các địa phương coi chống dịch đồng bộ, quyết liệt để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu, nhưng cũng sẽ tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội theo kịch bản mới, đưa Việt Nam vượt qua được khó khăn, thử thách hiện nay để một lần nữa "mặt trời tiếp tục tỏa nắng ở Việt Nam". Cùng với giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục hoàn thiện các kịch bản tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và nhà đầu tư vừa chủ động tìm kiếm thị trường mới, đồng thời hãy tin tưởng vào các giải pháp của Chính phủ, yên tâm phát triển sản xuất, kinh doanh. Bởi nền tảng của Việt Nam hiện đang rất tốt và chưa bao giờ Việt Nam có vị thế lớn như hiện nay.
Thủ tướng cũng yêu cầu các doanh nghiệp phải sản xuất, kinh doanh bình thường, không có chuyện công nhân được nghỉ như học sinh, sinh viên. Vì học sinh, sinh viên còn ít tuổi, dễ bị nhiễm virus, nên các địa phương cho học sinh, sinh viên nghỉ học là để tiêu độc, tẩy trùng lớp học và huấn luyện cách phòng, chống dịch bệnh, sau đó sẽ học bù.
Cũng tại phiên họp này, Chính phủ đã cho ý kiến vào dự Luật Khám chữa bệnh sửa đổi. Trong đó quy định các bác sĩ sẽ phải thi năng lực để được cấp chứng chỉ hành nghề phù hợp với thông lệ quốc tế. Hội đồng y khoa quốc gia là tổ chức kiểm tra năng lực người hành nghề y và là tổ chức cấp mới, ra hạn và cấp lại chứng chỉ hành nghề để đảm bảo độc lập, khách quan và không làm tăng biên chế. Về quy định những người đăng ký hành nghề y ở Việt Nam phải sử dụng tiếng Việt khi hành nghề khám chữa bệnh mà không được sử dụng phiên dịch, Chính phủ nhất trí giao Ban soạn thảo nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài về vấn đề này và sẽ trình Quốc hội 2 phương án.
Chính phủ cũng cho ý kiến vào dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, đồng thời giao Bộ Quốc phòng tiếp tục hoàn thiện để báo Thủ tướng trước khi trình Quốc hội. Chính phủ cũng cho ý kiến vào Chương trình xây dựng luật năm 2021 và dự thảo điều chỉnh chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội năm nay.
Cũng tại phiên họp này, Chính phủ đã nhất trí về cơ chế đặc biệt cho phép thiết bị, hàng hóa phục vụ Giải đua xe công thức 1 vào đầu tháng 4 tới được tạm nhập, tái xuất, được miễn kiểm tra chất lượng giống như thông lệ các nước và được thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu tại Hà Nội, để bảo đảm thời gian cho giải đua. Ước tính, sẽ có khoảng 300.000 người đến Hà Nội để thi đấu và xem giải đua nổi tiếng này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!