Hội Gióng diễn ra trong 3 ngày, từ mùng 6 đến hết mùng 8 tháng Giêng. Trong đó, chính hội là ngày mùng 7, với các hoạt động chính là dâng hoa tre ở đền Sóc và chém tướng giặc, diễn lại truyền thuyết Gióng dùng tre ngà quật chết tướng cầm đầu giặc Ân. Ngoài ra, trong hội còn có nhiều trò chơi dân gian sôi động như chọi gà, cờ tướng, hát ca trù, hát chèo…
‘ Hội Gióng đã trở thành di sản văn hóa của nhân loại. (Ảnh: Hanoimoi)
Khu di tích đền Sóc, thuộc huyện Sóc Sơn, Hà Nội tương truyền là nơi mà Thánh Gióng đã cưỡi ngựa sắt bay về trời, sau khi phá tan giặc Ân. Đền Sóc do vua Lê Đại Hành cho xây dựng, thờ đức Thánh Gióng, từ hơn 1.000 năm nay.
Hội Gióng được tổ chức ở nhiều nơi trên khắp đất nước Việt Nam. Nhưng các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cho rằng chỉ có Hội Gióng ở làng Phù Đổng, nơi sinh ra cậu bé Gióng và Hội Gióng ở đền Sóc, nơi mà Thánh Gióng về trời là có ý nghĩa và hoàn chỉnh hơn cả. Nghi lễ chủ yếu trong ngày hội chính là dâng cúng lễ vật và lễ chém tướng, thể hiện lại truyền thuyết Thánh Gióng dùng tre ngà quật chết tướng cầm đầu giặc Ân.