Khi doanh nghiệp Việt bỏ sân nhà…

Chí Sơn-Thứ sáu, ngày 15/07/2011 11:30 GMT+7

Trong cơn lốc của các thương lái Trung Quốc ồ ạt đổ về Bắc Giang thu mua vải thiều, không thấy bóng dáng của doanh nghiệp Việt Nam. Nhiều mặt hàng nông sản khác cũng đang đứng trước cơn lốc gom hàng của thương lái Trung Quốc…

Tình trạng vải thiều ở Lục Ngạn (Bắc Giang) đang được các thương lái Trung Quốc thu gom với giá 6-7 nghìn đồng/kg, cao hơn so với giá thị trường khoảng 2 nghìn đ/kg. Người nông dân vui mừng vì thoát khỏi cảnh ế thừa vải, lại thu hồi được vốn, duy trì được cuộc sống mưu sinh.

Doanh nghiệp Việt Nam đã hoàn toàn bỏ sân nhà cho các thương lái Trung Quốc mặc sức tung hoành. Biện pháp duy nhất của các doanh nghiệp Việt Nam lúc này là… kêu.

Ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNN cho rằng: “Các doanh nghiệp Việt Nam kêu về tình trạng thương lái Trung Quốc ồ ạt thu gom hàng nông sản có giải quyết được tình hình. Tại sao các doanh nghiệp Việt Nam chỉ kêu, hay do họ không đủ sức chống đỡ nổi cơn lốc của thương lái Trung Quốc?”.

Xét ở góc độ kinh tế, các thương lái của Trung Quốc đã làm được nhiệm vụ bao tiêu sản phẩm cho người nông dân Việt Nam trước nguy cơ ế thừa, nhiệm vụ này đã không được các doanh nghiệp Việt Nam làm tốt hoặc thờ ơ với sản phẩm của người nông dân làm ra.

Các doanh nghiệp Trung Quốc thu gom hàng nông sản Việt Nam về nước họ để tiêu thụ hoặc để chế biến hoặc để xuất khẩu sang nước khác, nhưng giá bán thì cao gấp nhiều lần so với giá họ mua ban đầu.

Nghĩa là họ nhìn thấy đầu ra cho sản phẩm họ thu mua, vô hình chung, Việt Nam chỉ trở thành một đồng ruộng cho các thương lái Trung Quốc và sinh lợi cho các thương lái Trung Quốc mà thôi.

Cũng theo ông Lê Huy Ngọ, các thương lái Trung Quốc biết chắc chắn họ có lợi thì họ mới ồ ạt sang Việt Nam thu gom hàng nông sản. Tại sao các doanh nghiệp Việt Nam lại lép vế hay do năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế từ khâu chế biến, tiếp thị, mở rộng thị trường và bao tiêu sản phẩm?

Khi đã phụ thuộc và lệ thuộc vào các thương lái Trung Quốc thì cả nền nông nghiệp và phương thức sản xuất của Việt Nam cũng lệ thuộc vào họ. Nguy hiểm là họ không có cam kết lâu dài gì, nên rất có thể họ sẽ rút đi để lại những hậu quả nặng nề cho cả nền nông nghiệp, kinh tế hàng hóa của Việt Nam.

Sự ồ ạt của các thương lái Trung Quốc một mặt đã cho thấy sự yếu kém của các doanh nghiệp Việt Nam. Nếu không kịp thời cơ cấu lại, nguy cơ này sẽ còn tiếp diễn và hậu quả sẽ còn nặng nề hơn, chứ không dừng lại ở việc thu gom hàng hóa nông sản.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước