Khía cạnh pháp lý trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông

Hương Linh-Thứ tư, ngày 25/06/2014 19:29 GMT+7

Biển Đông là một vùng biển có ý nghĩa chiến lược trong giao thương hàng hải quốc tế, vì thế, các quốc gia trên thế giới đều quan ngại khi chứng kiến những hành động của Trung Quốc, gây bất ổn tại vùng biển này.

Trước những hành động của Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, đặc biệt là các hành động bạo lực của các tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam, đâm va, phun vòi rồng công suất lớn vào các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam trên vùng biển mà chúng ta có quyền chủ quyền, quyền tài phán, Việt Nam cần theo đuổi giải pháp nào? Đó là vấn đề mà các học giả, giới nghiên cứu quốc tế quan tâm tới tình hình Đông Nam Á tranh luận rất nhiều trong thời gian qua. Sau đây là một số ý kiến của các chuyên gia mà VTV ghi nhận được tại Hội thảo quốc tế về vấn đề Biển Đông được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng mới đây.

Biển Đông là một vùng biển có ý nghĩa chiến lược trong giao thương hàng hải quốc tế, vì thế, các quốc gia trên thế giới đều quan ngại khi chứng kiến những hành động của Trung Quốc, gây bất ổn tại vùng biển này. Các học giả quốc tế, những chuyên gia nghiên cứu về tình hình Đông Nam Á đến từ nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ, Australia, Đức đã lên án hành động của Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam.

Họ đặc biệt nhấn mạnh hành động này của Trung Quốc là biểu hiện của việc cố ý phá vỡ nguyên trạng trên Biển Đông, gây bất ổn khu vực, là hành động sử dụng sức mạnh xâm phạm chủ quyền lãnh thổ nước khác để thực hiện hóa ý đồ độc chiếm Biển Đông.

Trong bối cảnh Việt Nam đã kiên trì theo đuổi đàm phán, kiềm chế không để căng thẳng leo thang, nhưng phía Trung Quốc vẫn phớt lờ những đề nghị chính đáng của Việt Nam, các học giả và các chuyên gia luật pháp quốc tế cho rằng, Việt Nam cần tận dụng sự trợ giúp của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) hay hệ thống thể chế pháp lý của Công ước LHQ về Luật Biển để bảo vệ các quyền lợi và lợi ích của mình trước hành vi xâm lấn của Trung Quốc.

Giáo sư Leszek Buszynski, chuyên gia Trường An ninh Quốc gia, Đại học Quốc gia Australia cho biết: “Luật pháp có vai trò rất quan trọng, tạo ra cơ sở để có thể có khả năng tiến hành đàm phán thương lượng trong tương lai. Nếu Việt Nam cứ kêu gọi tuân thủ luật pháp quốc tế, mà Trung Quốc cố tình phớt lờ luật pháp quốc tế, thì cũng không có tác dụng. Nếu Việt Nam cân nhắc nghiêm túc về khía cạnh sử dụng biện pháp pháp lý, thì điều này cũng sẽ khiến Trung Quốc phải phản ứng lại hành động của Việt Nam một cách nghiêm túc hơn”.

Các chuyên gia cho rằng, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển 1982, Việt Nam có thể khởi kiện theo một số vấn đề như: hiệu lực của đảo, các vi phạm an ninh, an toàn và tự do hàng hải. Theo các chuyên gia, việc Việt Nam sử dụng cơ chế tài phán quốc tế chứng tỏ cố gắng của Việt Nam đã tận dụng mọi biện pháp hoà bình trong vấn đề Biển Đông, đồng thời, đây cũng là hành động nhằm ngăn cản sự leo thang căng thẳng mới.

Tiến sỹ Issac Kardon, chuyên gia Luật Quốc tế, Đại Học Cornell, Mỹ nói: “Không đơn phương sử dụng vũ lực và xem xét nghiêm túc về khía cạnh sử dụng công cụ pháp lý là một tín hiệu rất tốt gửi tới thế giới, rằng Việt Nam rất tuân thủ luật pháp quốc tế trong khi Trung Quốc đang tiếp tục phớt lờ luật quốc tế. Tôi cho rằng, đó là điều Việt Nam nên làm”.

Một số chuyên gia cũng cho rằng, bên cạnh việc cân nhắc sử dụng cơ quan trọng tài quốc tế, Việt Nam cần tiếp tục hợp tác với các quốc gia liên quan để tạo dựng lòng tin, tạo dựng sự đồng thuận trong vấn đề Biển Đông và hướng tới việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) .

Tiến sỹ Patrick Cronin, Trung tâm nghiên cứu an ninh Mỹ mới (CNAS) chia sẻ: “Tôi nghĩ, Việt Nam cần sử dụng nhiều biện pháp để xử lý vấn đề Biển Đông. Các bạn cần theo đuổi mọi cơ chế luật pháp quốc tế. Thêm nữa, tôi nghĩ Việt Nam cũng nên cùng các nước ASEAN khác như Malaysia, Philippines và cả Indonesia đạt được quan điểm chung của ASEAN về một Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), dù trong thời điểm này chưa có sự tham gia của Trung Quốc”.

Các chuyên gia đồng ý rằng, đối với những bất đồng trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc luôn từ chối việc giải quyết tranh chấp trong một diễn đàn đa phương. Vì vậy, với Việt Nam, việc tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, tạo khuôn khổ đa phương để yêu cầu Trung Quốc phải có trách nhiệm tham gia thảo luận nghiêm túc cũng sẽ là một hướng đi nhằm tìm kiếm một giải pháp toàn diện cho vấn đề Biển Đông.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước