Khó đạt mục tiêu trong đề án đào tạo Ngoại ngữ tới năm 2020

VTV News-Thứ tư, ngày 16/11/2016 10:31 GMT+7

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 16/11.

VTV.vn - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nha đã thẳng thắn thừa nhận, mục tiêu trong đề án đào tạo Ngoại ngữ 2020 đã đặt ra trước đây không đạt được.

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 16/11, các đại biểu Hồ Thị Minh (Quảng Trị), Lê Minh Chuẩn (Quảng Ninh), Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông), Cao Thị Xuân (Thanh Hóa), Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa), Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng)… đã đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng về giải pháp: Nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ; đào tạo sau Đại học; phát triển đội ngũ trí thức, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số; giải pháp phân luồng học sinh, khắc phục tình trạng "thừa thầy thiếu thợ"; đổi mới kỳ thi THPT quốc gia, nâng cao chất lượng đào tạo, xử lý vấn đề dạy thêm, học thêm, bạo lực học đường; giải pháp giải quyết việc làm cho sinh viên mới ra trường; đổi mới chương trình, sách giáo khoa...

Về vấn đề dạy và học ngoại ngữ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, mục tiêu đã nêu trong đề án đào tạo ngoại ngữ 2020 đã đặt ra trước đây không đạt được. Hiện Bộ GD&ĐT đang rà soát, đánh giá, điều chỉnh lại các mục tiêu đề ra; tập trung đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ; thiết kế lại các chương trình, nội dung, phương pháp dạy học; đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa dạy, học ngoại ngữ.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, học ngoại ngữ cần phải liên tục, cần thời gian lâu dài. Dẫn chứng như ở Singapore, quốc gia này cũng cần tới 38 năm để người dân có thể sử dụng đại trà tiếng Anh.

Về vấn đề dạy thêm học thêm, người đứng đầu ngành Giáo dục đã đưa ra một số biện pháp nhằm chống dạy thêm học thêm tràn lan, "biến tướng", trong đó có việc đề nghị các Giám đốc Sở GD&ĐT tăng cường giám sát. Ngoài ra, cần phải điều chỉnh, rà soát sách giáo khoa mớ để tránh rườm rà, trùng lặp, không phù hợp chương trình.

Cùng với vấn đề dạy thêm học thêm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đưa ra giải pháp ngăn chặn bạo lực học đường đang có xu hướng gia tăng, Cho rằng nguyên nhân xuất phát từ nhiều phía như gia đình, xã hội… nhưng Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận cũng là do từ phía nhà trường. 

Nhấn mạnh giải pháp về đổi mới chương trình, nâng cao chất lượng giáo dục về đạo đức, pháp luật cho học sinh, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, việc đưa môn Giaos dục công dân vào thi tốt nghiệp THPT, trong đó có cả lịch sử, sẽ góp phần giáo dưỡng học sinh và giảm bạo lực học đường.

Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 được phê duyệt năm 2008. Mục tiêu là đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong các trường, để "đến năm 2020, đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa, biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam". Đề án có tổng kinh phí gần 9.400 tỷ đồng.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tạiTV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước