Việc xuất khẩu hàng qua Amazon nói trên được thực hiện thông qua chương trình hợp tác giữa Bộ Công Thương và Amazon. Đây cũng là lần đầu tiên Bộ Công Thương phối hợp với 1 trang thương mại điện tử có quy mô toàn cầu xúc tiến việc xuất khẩu hàng. Bộ Công Thương cho biết, đã có khoảng 3.000 doanh nghiệp quan tâm, nộp hồ sơ đăng ký bán hàng qua trang thương mại điện tử lớn nhất thế giới. Đợt đầu sẽ có 200 doanh nghiệp được lựa chọn để đào tạo.
Việc bán hàng trên Amazon là một cơ hội lớn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc xuất khẩu sản phẩm thông qua trang thương mại điện tử này. Để tận dụng cơ hội này, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) hiện đang xúc tiến kế hoạch đưa các doanh nghiệp Việt Nam lên nền tảng của "người khổng lồ" thương mại điện tử Amazon. Thông qua chương trình bán hàng toàn cầu của Amazon (Amazon Global Selling), doanh nghiệp có thể tiếp cận hơn 300 triệu khách hàng trên khắp thế giới và 1 triệu khách hàng là các cơ sở, doanh nghiệp.
Dù đã có 1 nền tảng lớn nhất toàn cầu, hoạt động tại 180 quốc gia và phục vụ gần 300 triệu khách hàng, tham vọng của Amazon vẫn rất lớn. Thông qua những chiến lược đã từng thành công tại Australia hay Brazil, tập đoàn này kỳ vọng, đây sẽ là cú hích cho chiến dịch tấn công các thị trường mới nổi tại Đông Nam Á. Tuy nhiên, theo tờ Nikkei, việc tấn công thị trường Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung của Amazon chắc chắn sẽ là thách thức không nhỏ bởi ở khu vực này hiện đã có sự xuất hiện của nhiều tên tuổi lớn đến từ Trung Quốc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!