* Là động lực quan trọng của nền kinh tế, là nền tảng của kinh tế thị trường nhưng khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam đang đòi hỏi thêm không gian mới để có thể phát triển nhanh hơn, mạnh hơn.
Theo tờ Đầu tư, không gian mới ấy phải giải quyết cho được vấn đề mấu chốt là sự phân bổ nguồn lực hiện theo cơ chế xin - cho, là các rào cản về cạnh tranh đang hạn chế doanh nghiệp tư nhân như: ấn định giá cho nhiều hàng hóa quan trọng, đặt ra quy định khiến một số doanh nghiệp gặp bất lợi hơn hay hạn chế lựa chọn của người tiêu dùng…
* Liên quan đến cuộc "khủng hoảng" của ngành chăn nuôi lợn, tờ Nông thôn ngày nay khẳng định: Bộ Công Thương không thể thờ ơ. Bởi để giải quyết cuộc khủng hoảng này rất cần sự khơi thông thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước.
Cùng bàn về vấn đề này, tờ Nông nghiệp Việt Nam có nêu ra các giải pháp để "giải cứu" ngành chăn nuôi lợn.
Một giải pháp cần làm ngay là phải kiên quyết dẹp bỏ các trại lợn nhỏ lẻ, tự phát, không được cấp phép. Bởi hiện đang có một vòng tròn nghịch lý: điều kiện nuôi dễ quá, nên số lượng trang trại bung ra. Dịch bệnh lại càng khó kiểm soát. Mà không kiểm soát được dịch bệnh thì không đàm phán được các hiệp định thú y để xuât khẩu được. Kết quả dẫn đến sản phẩm chăn nuôi lại càng rẻ. Bên cạnh đó, khi chưa thể xuất khẩu, Nhà nước cần phải triển khai ngay một số giải pháp để nâng giá trở lại cũng như đưa chăn nuôi lợn vào guồng máy hoạt động bền vững, trong đó, giải pháp cấp đông thịt lợn được cho là khả thi nhất hiện nay.
* Theo tờ Đại đoàn kết, việc tăng đột biến của giá cát trong hơn 10 ngày qua chính là động thái gây sức ép của một số "ông lớn" trong ngành công nghiệp cát, nhắm vào hành động dẹp nạn "cát tặc" của chính quyền thời gian gần đây.
Để đối phó với thế lực này một cách căn cơ, cần một sự hoàn chỉnh về thể chế và chính sách để đảm bảo khai thác cát đúng luật và không ảnh hưởng đến môi trường.
* Về mô hình quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Thời báo Tài chính có nêu câu hỏi: Lựa chọn phương án nào?
Sau nhiều thảo luận, hiện có 2 mô hình được đưa ra lựa chọn. Mô hình thứ nhất là thành lập mới một Ủy ban thuộc Chính phủ với 2 phương án: hoặc thành lập trên cơ sở điều chuyển nhân sự từ các bộ ngành liên quan và Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước SCIC, hoặc nâng cấp SCIC thành Ủy ban. Mô hình thứ hai, cơ quan chuyên trách là doanh nghiệp trên cơ sở nâng cấp SCIC.
Cả hai mô hình đều có những thế mạnh riêng nhưng lựa chọn mô hình nào để đảm bảo yêu cầu tách bạch chức năng quản lý và kinh doanh, đảm bảo quyền tự chủ kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp thì vẫn là vấn đề còn nhiều ý kiến tranh luận của các chuyên gia, nhà quản lý.
* Vụ sạt lở đất làm đổ sụp 16 căn nhà xuống dòng sông Hậu cách đây 4 ngày tại tỉnh An Giang được coi là một lời cảnh báo về đại họa sạt lở đất ở miền Tây.
Hiện có hơn 300km bờ biển, tức phân nửa chiều dài bờ biển Đồng bằng sông Cửu Long đang sạt lở trầm trọng, mỗi năm mất khoảng 5 km2 đất. Tốc độ sạt lở dọc theo bờ biển có nơi lên đến 30 - 40 m/năm. Hầu hết các tỉnh tiếp giáp với biển đều có tình trạng sạt lở, nhưng nghiêm trọng nhất vẫn là Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu hay Cà Mau. Tình trạng sạt lở bờ sông cũng diễn biến phức tạp không kém với 265 điểm sạt lở với tổng chiều dài sạt lở lên đến 450 km.
* Hàng chục bãi giữ xe tự phát tại quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh mới bị thanh tra phát hiện nhưng lãnh đạo các phường lại đưa ra lý do là lực lượng đô thị địa phương không đủ để tuần tra kiểm soát, xử phạt
Theo phản ánh của báo Thanh niên, thậm chí một số điểm trông giữ xe này còn không sử dụng vé giữ xe do cơ quan thuế phát hành. Kết luận thanh tra cho rằng Đội Quản lý Trật tự đô thị Quận 1 chưa làm tốt kiểm tra, kiểm soát; tuy nhiên, kết luận thanh tra lại không nêu việc xử lý trách nhiệm dẫn đến sai phạm của các tập thể cá nhân. Dư luận cho rằng, có thể có dấu hiệu trục lợi từ việc tham mưu cấp phép sử dụng tạm lề đường sai quy định hay làm ngơ cho các cá nhân khai thác thu lợi bất chính…
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!