Khoa Nhi thuộc bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang có khá đông em nhỏ mắc bệnh tay chân miệng. Phần lớn các bé được đưa đến bệnh viện trong tình trạng sốt cao và có đã có nhiều biểu hiện của bệnh tay chân miệng ở cấp độ nặng như: co giật, lở miệng, nổi mọng đỏ... Nguyên nhân là do các bé không được gia đình đưa đi điều trị sớm vì không biết hoặc nghĩ chỉ sốt thông thường.
Chính vì tâm lý chủ quan, lơ là của người dân trong việc phòng chống bệnh tay chân miệng nên số ca mắc và tử vong liên tục tăng cao trên địa bàn tỉnh Kiên Giang thời gian qua. Theo Sở Y tế tỉnh Kiên Giang, vài tuần trở lại đây, số ca mắc bệnh tay chân miệng luôn ở mức cao, trên 300 ca. Đáng báo động, số ca mắc bệnh tay chân miệng lại tập trung nhiều ở các huyện, thị mà điều kiện nắm bắt thông tin về dịch bệnh cao hơn so với các địa phương vùng sâu, vùng xa.
Bác sĩ Trương Quốc Dũng, Phó Trưởng khoa Nhi bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang cho biết tình hình diễn biến của bệnh tay chân miệng ở viện này diễn biến tương đối phức tạp. Bác sĩ Dũng cho hay, mỗi ngày khoa Nhi bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận từ 20 – 30 ca… và lưu ý rằng "Bà con cần chú ý hơn những triệu chứng của bệnh tay chân miệng chẳn hạn như: bé sốt cao liên tục, bé co giật, bé ói nhiều… Khi có các triệu chứng này, bà con phải đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị sớm".
Chỉ tính riêng năm 2011, đã có 10 ca mắc tay chân miệng tử vong tại Khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang do gia đình đưa đến quá trể. Vì vậy, ngoài những nỗ lực của ngành Y tế, đến lúc mỗi gia đình cần tự ý thức và có hành động cụ thể hơn trong việc phòng chống dịch bệnh. Việc làm này không chỉ bảo vệ sức khoẻ cho các em, mà còn góp phần ngăn không cho dịch bệnh bùng phát, lây lan trong cộng đồng.