Tình trạng nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam thời gian qua diễn biến phức tạp, nghiêm trọng. Đó là nhận định được đưa ra tại phiên họp của Thường trực Chính phủ diễn ra cách đây không lâu. Hiện có hơn 18.000 container phế liệu tồn đọng tại các cảng biển trong cả nước, gần một nửa trong số đó đã tồn đọng quá hạn quy định mà chủ hàng không tới nhận. Đáng chú ý là hầu hết phế liệu tồn đọng quá hạn đều thuộc diện cấm nhập khẩu và tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm cao.
Ngoài nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, lượng phế liệu tồn đọng cực lớn như vậy đang chiếm dụng mặt bằng và gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh cảng. Nhiều khu vực cảng đang như các bãi rác khổng lồ mà chưa có hướng xử lý hiệu quả.
Câu hỏi được quan tâm nhất lúc này là: Cơ quan quản lý nhà nước nào có trách nhiệm chính trong việc để nhập khẩu phế liệu bừa bãi như hiện nay?
Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành hiện có tới 36 mặt hàng. Theo các nhà khoa học, danh mục này bao hàm quá nhiều chủng loại nên dễ bị lợi dụng để đưa rác thải nguy hại vào Việt Nam.
Việc dùng phế liệu để làm nguyên liệu sản xuất có ưu điểm là rẻ, nhưng chỉ có lợi cho nhà sản xuất, còn với cộng đồng thì lợi hay không thì chưa có đánh giá cụ thể. Trong bối cảnh các nước xung quanh chúng ta như Trung Quốc, Thái Lan đã cấm nhập khẩu phế liệu, nhiều ý kiến đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường rút gọn danh mục này theo hướng chỉ cho phép nhập khẩu một vài loại phế liệu thiết yếu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!