Trước những thiệt hại lớn về người và vật chất do cơn bão số 14 gây ra đối với các tỉnh tại miền Trung và Tây Nguyên, sáng 25/11, Bộ Công Thương đã cùng ngành Điện và nhiều đơn vị liên quan, đại diện các địa phương, đã ngồi lại với nhau để cùng xác định liệu thủy điện có phải là nguyên nhân chính gây lũ lụt hay không, cũng như làm rõ các nhà máy thủy điện xả lũ có theo đúng quy trình.
Với trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về thủy điện, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định: Bộ sẽ tiếp tục rà soát các công trình thủy điện và kiên quyết dừng hoạt động với những đơn vị vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng đối với hạ du.
‘ Nhiều nhà dân ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên bị ngập trong lũ (Ảnh: Dân trí)
41 người chết, 10 chiếc cầu bị sập, hàng ngàn m3 đất đá đổ ập xuống đường khiến giao thông tê liệt, hàng trăm ngàn ngôi nhà chìm trong nước, hàng trăm ha hoa màu bị hỏng... đây mới chỉ là những thiệt hại ban đầu có thể đo đếm được ngay khi cơn bão số 14 tràn qua các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
Đại diện Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, bão số 14 có lượng mưa lớn, tập trung ngắn ngày nên lượng nước đổ về hạ lưu đã vượt mức lịch sử. Đây là một phần lý do vì sao nhiều địa phương bị ngập chìm trong biển nước. Tuy nhiên, cũng theo cơ quan này, khu vực miền Trung nằm trong vùng mưa lũ xảy ra hàng năm, vì thế cần phải có giải pháp đồng bộ quy hoạch các ngành cho hợp lý, phù hợp với điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên.
Theo đại diện của nhiều địa phương xảy ra trận ngập lụt vừa qua, năm 1999 chưa có nhà máy thủy điện, nhưng những nơi này vẫn phải gánh chịu trận lũ lụt lịch sử. Tuy nhiên, xét trên góc độ thực tế, việc thay đổi cơ cấu rừng đầu nguồn và thiếu quản lý chặt chẽ trong quá trình vận hành hồ đập cũng là nguyên nhân gây lũ lớn, khiến người dân chịu thiệt hại nặng nề.
Đánh giá về việc vận hành các nhà máy thủy điện, Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định: Việc xả lũ của các nhà máy thủy điện lớn vẫn thực hiện đúng quy trình. Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng thừa nhận cách đưa thông tin đến người dân vẫn chưa được kịp thời, việc đầu tư, cấp phép vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt với những thủy điện vừa và nhỏ. Vấn đề này Bộ sẽ có biện pháp kiên quyết trong quá trình rà soát.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng khẳng định: Việc rà soát các nhà máy thủy điện sẽ được Bộ và các địa phương tiếp tục siết chặt hơn trong thời gian tới. Người đứng đầu Bộ Công Thương kiên quyết sẽ không cấp phép cho các dự án đầu tư xây dựng thủy điện, nếu không đáp ứng đủ các yêu cầu đảm bảo về quy trình. Ngay đối với các nhà máy thủy điện đang vận hành, nếu chưa hoàn thiện các báo cáo về chất lượng công trình, an toàn đập, trồng bù rừng, quy trình vận hành đề nghị Cục Điều tiết điện lực không cấp phép hoạt động, tức là sẽ không cho phát điện.