Kinh doanh đa cấp: Hàng ngàn người thua thiệt

Liên Liên-Chủ nhật, ngày 10/07/2011 08:00 GMT+7

Thời gian gần đây, nhiều thành viên của Tập đoàn bán hàng đa cấp Agel của Mỹ tại Việt Nam như ngồi trên chảo lửa trước thông tin tập đoàn này chính thức tuyên bố rút khỏi thị trường Việt Nam.

Sự ra đi này đã khiến cho hàng chục ngàn thành viên đang kinh doanh trong mạng lưới của công ty thiệt hại nặng nề. Người ít thì vài chục triệu, nhiều thì lên đến vài tỷ đồng. Không những thế, sự việc này còn gây chấn động trong giới kinh doanh đa cấp ở Việt Nam. Bởi lẽ, đây là sự kiện chưa từng có trong lĩnh vực kinh doanh này vì sự phức tạp khi xác định trách nhiệm về thiệt hại đối với những người tham gia trong mạng lưới công ty.

Gần 5 tỷ đồng bao gồm tiền hàng và hoa hồng chưa được công ty thanh toán là số thiệt hại mà bà Nguyễn Thị Tuyết - người đứng đầu 1 hệ thống phân phối khá lớn phải gánh chịu sau khi công ty Agel đột ngột đóng cửa.

Bà Nguyễn Thị Tuyết, 583 Nguyễn Trãi, Hà Nội cho biết: “Hệ thống của tôi đã chuyển tiền hàng cho người đứng đầu công ty, nhưng chúng tôi không nhận được đủ hàng. Rồi tiền hoa hồng nữa, tôi đã nhiều lần phản ánh lãnh đạo công ty nhưng vẫn không được giải quyết…”.

Mô hình của bán hàng đa cấp là giới thiệu được càng nhiều người tham gia càng tốt. Người bắt đầu tham gia vào Công ty Agel Việt Nam sẽ phải bỏ ra 1 khoản tiền hơn 20 triệu đồng, đổi lại là 8 hộp sản phẩm. Thành viên này bắt đầu được phép xây dựng mạng lưới của mình. Mỗi sản phẩm bán ra, thành viên trực tiếp bán sẽ được trả hoa hồng, kèm theo tiền hoa hồng tuyển dụng khi tìm kiếm được thành viên mới. Vì thế, khi công ty đổ vỡ, hàng nghìn người từ Bắc vào Nam đã thiệt hại, tuyến dưới thì đổ lỗi cho tuyến trên, cả 1 mạng lưới gần như rối loạn.

Ông Đoàn Trọng Bằng, Văn phòng Luật sư Đại Việt cho rằng: “Vì hình thức kinh doanh đa cấp là người này liên quan đến người kia, nên để giải quyết những tồn đọng sau khi công ty đóng cửa rất phức tạp. Những người tham gia trong mạng lưới có thể dựa trên hợp đồng đã ký với công ty để khởi kiện người đại diện công ty về những thiệt hại của mình”.

Bán hàng đa cấp là một hình thức kinh doanh rất phát triển ở nước ngoài, tuy nhiên, tại Việt Nam thì mô hình này nhiều lúc đã bị biến tướng. Các thành viên trong mạng lưới thay vì phát triển thành viên đi cùng với bán hàng, thì lại sẵn sàng bỏ tiền tỷ ra để nhanh chóng được lên vị trí cao, nhưng sau đó lại không tìm được đủ thành viên tham gia cũng như không bán được sản phẩm. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới thiệt hại của hàng chục ngàn người trong hệ thống khi công ty Agel Việt Nam đột ngột đóng cửa.

Theo ông Trịnh Văn Ngọc, Trưởng phòng kinh tế đối ngoại, Sở Công thương Hà Nội: “Sở công thương đã có văn bản yêu cầu Công ty Agel Việt Nam giải trình về việc đóng cửa và những thiệt hại không lấy được hàng, rồi mất tiền hoa hồng của những người trong mạng lưới. Đồng thời yêu cầu ngân hàng phong toả tài khoản ký quỹ của công ty để giải quyết những tranh chấp”.

Bản chất của kinh doanh đa cấp không xấu, bản thân công ty Agel cũng không xấu. Hệ thống Agel Việt Nam bị đóng cửa là bởi lòng tham kiếm tiền nhanh của những kẻ trục lợi. Và đây chính lời cảnh báo cho hàng chục công ty bán hàng đa cấp đang hoạt động ở Việt Nam.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước