Những kỷ vật đơn sơ nhưng đầy ý nghĩa và xúc động.
Bên cạnh những con người đã từng trải qua, từng sống giữa hoàn cảnh chiến tranh, thì các kỷ vật còn lại còn là báu vật vô giá, có thể kể lại với lớp người sau về những trang sử mà dân tộc đã đi qua. Tối 19/12, đúng ngày Toàn quốc kháng chiến, một chương trình chất chứa cảm xúc và những câu chuyện về hồi ức chiến tranh được kể qua những hiện vật còn lại có chủ đề “Những kỷ vật kháng chiến” đã diễn ra tại hội trường Bộ Quốc phòng (Hà Nội).
Chương trình tổng kết cuộc vận động sưu tầm và hiến tặng những kỷ vật kháng chiến do Tổng cục Chính trị, Hội Cựu chiến binh và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động từ năm 2008. Sau 3 năm, chương trình đã tiếp nhận hơn 11.000 hiện vật, trong đó có nhiều tư liệu, hiện vật giá trị, đại diện tiêu biểu cho hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Hàng ngàn kỷ vật là vật dụng, hành trang của những người lính khi ra trận, hay được cất giấu bởi những người thân, đồng đội, thậm chí cả những người xa lạ ở bên kia chiến tuyến... dù rất đỗi giản dị, nhưng trong mỗi món đồ ấy lại mang một câu chuyện về hồi ức đầy xúc cảm. Một vài tấm ảnh, những bức thư… cũng đủ làm nên quá khứ, chất chứa hạnh phúc, yêu thương và cả nỗi đau sinh tử.
‘ Rất nhiều kỷ vật lần đầu công bố. Ảnh: Chinhphu.vn
Kỷ vật còn là người đưa đường, là sợi dây kết nối để người còn sống tìm lại với những đồng đội của mình đã nằm xuống ở chiến trường Tây nguyên. Chiến tranh là nỗi đau của cả một dân tộc, có cả những đau đớn khôn cùng của những người mẹ, người vợ, ngày nay chỉ có thể tìm về với người thân qua tấm áo, lá thư cuối cùng được viết trước khi ra trận...
Ý nghĩa lớn nhất của cuộc vận động sưu tầm và hiến tặng "Những kỷ vật kháng chiến" là để thế hệ trẻ biết và trân trọng những trang sử hào hùng của dân tộc, cũng là thông điệp để động viên, khích lệ họ tiếp bước, xứng đáng truyền thống của những người đi trước.
Lễ tổng kết đã trao tặng 130 Bằng khen cho cá nhân, tập thể có những đóng góp tích cực, hiệu quả trong hành trình 3 năm của cuộc vận động. Lễ tổng kết 3 năm không phải sự khép lại của cuộc vận động, mà góp phần làm tăng sức lan toả của cuộc vận động này, để mỗi người hiểu hơn về giá trị của những kỷ vật, từ đó vận động nhiều hơn, sâu hơn và rộng rãi hơn về những kỷ vật kháng chiến.