Làm sao để gói hỗ trợ quốc gia 62.000 tỷ đồng đến tay đúng đối tượng, kịp thời, không có độ trễ?

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 16/04/2020 10:00 GMT+7

VTV.vn- Những người có công, bảo trợ xã hội, hộ người nghèo và cận nghèo cần được hưởng gói hỗ trợ an sinh xã hội ngay trong tháng 4 này. Vấn đề là quyết tâm thực hiện như thế nào.

Gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng của Chính phủ đã đáp ứng được sự mong mỏi của hàng triệu người dân. Người xưa có câu "Chén cơm cho người nghèo lúc khốn khó quý hơn ngàn lần những luận bàn cao siêu", do vậy, việc ban hành các chính sách để hỗ trợ người nghèo, người yếu thế, người lao động mất việc làm... có ý nghĩa vô cùng lớn trong việc bảo đảm an sinh, góp phần giữ vững ổn định xã hội.

Vấn đề được quan tâm hàng đầu hiện nay là các các cấp, các ngành, các địa phương sẽ tổ chức thực hiện các biện pháp hỗ trợ này ra sao? Điều này đã được đề cập khá chi tiết trong nghị quyết của Chính phủ.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, hướng dẫn các địa phương, cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện thống nhất việc hỗ trợ theo quy định; tổng hợp, báo cáo Thủ tướng về việc thực hiện nghị quyết tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ.

Bộ Tài chính bảo đảm nguồn ngân sách Trung ương; xem xét, hỗ trợ cho từng địa phương; định kỳ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, hướng dẫn và cho Ngân hàng Chính sách xã hội vay tái cấp vốn khoảng 16.000 tỷ đồng với lãi suất 0% để cho người sử dụng lao động vay trả lương.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần chủ động sử dụng nguồn lực của địa phương; chủ trì xác định và phê duyệt danh sách các đối tượng được hưởng chế độ; phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện, bảo đảm kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, không để lợi dụng, trục lợi, tham nhũng, tiêu cực.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan và địa phương tổ chức phổ biến, tuyên truyền rộng rãi Nghị quyết này.

Khi nào người dân nhận được tiền hỗ trợ?

Điều người dân quan tâm nhất lúc này là tiến độ triển khai việc hỗ trợ và câu hỏi mà người dân nhắc đến nhiều nhất là: "Khi nào chúng tôi sẽ nhận được tiền hỗ trợ?". Theo ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ngoài việc yêu cầu triển khai thực hiện đúng đối tượng, công khai, minh bạch, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ đều yêu cầu phải triển khai rất nhanh đến tay người thụ hưởng, không được để tình trạng lòng vòng, không được để độ trễ khi thực hiện chính sách.

Làm sao để gói hỗ trợ quốc gia 62.000 tỷ đồng đến tay đúng đối tượng, kịp thời, không có độ trễ? - Ảnh 2.

"Với tư tưởng ấy, chúng tôi đã và đang phấn đấu làm sao để về cơ bản trong tháng 4 này sẽ triển khai. Cụ thể là với một số đối tượng như người có công, bảo trợ xã hội, hộ người nghèo và cận nghèo ngay trong tháng 4 này sẽ được thụ hưởng cái đó. Còn đối tượng thụ hưởng từ chính sách bảo hiểm xã hội thì tuần này cũng sẽ được triển khai, không chờ đợi nữa".

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, ông đã trao đổi với Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Chính sách xã hội để ngay trong tuần này, khi Thủ tướng Chính phủ ký quyết định về tiêu chí và cách làm, đơn vị nào, cá nhân nào có đầy đủ thủ tục chuyển sang Ngân hàng Chính sách có thể trả lời ngay. Như vậy, về cơ bản, việc hỗ trợ sẽ được triển khai trong tháng 4, đặc biệt là những gói thực hiện một lần và chi trọn gói.

Đối với những đối tượng có quan hệ lao động, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, việc hỗ trợ sẽ được triển khai thông qua hệ thống doanh nghiệp, thông qua việc xác nhận của chính quyền địa phương.

"Thời điểm nào có hồ sơ thì thời điểm đó sau 5 ngày là cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải giải quyết những chính sách cho người dân" - Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhấn mạnh.

Đánh giá cao chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, việc triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội cần phải thực hiện dứt khoát, không được để độ trễ. Ông nhấn mạnh, gói hỗ trợ này là dành cho những người lao động bị giảm sút thu nhập sâu, đồng nghĩa với việc những người này đang gặp rất nhiều khó khăn, cho nên thời điểm được hưởng hỗ trợ càng sớm càng tốt.

Làm sao để gói hỗ trợ quốc gia 62.000 tỷ đồng đến tay đúng đối tượng, kịp thời, không có độ trễ? - Ảnh 3.

"Cho đến giờ phút này, tôi thấy là các nội dung, các hướng dẫn về tiêu chuẩn, điều kiện chúng ta đã đầy đủ rồi. Vấn đề cuối cùng là quyết tâm thực hiện và quyết tâm này đặt lên vai chính quyền các địa phương, cơ sở rất quan trọng" - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định.

Điều hành ngân sách Nhà nước đảm bảo nguồn lực thực hiện gói hỗ trợ

Dự kiến thu ngân sách có thể ước giảm khoảng 150.000 tỷ đồng trong năm nay. Dù khó khăn vậy nhưng Chính phủ vẫn quyết tâm triển khai nhiều gói hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, trong đó có gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng.

Về những giải pháp để điều hành ngân sách Nhà nước đảm bảo nguồn lực thực hiện gói hỗ trợ, ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, trước mắt, Bộ Tài chính đã kiến nghị với Chính phủ yêu cầu các địa phương, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương phải tăng cường tiết kiệm chi thường xuyên. Ngoài việc cắt giảm chi thường xuyên ngoài lương 10% theo dự toán đã được Quốc hội thông qua, cần tiếp tục cắt giảm thêm 10% nữa,tiết kiệm 50% công tác phí nước ngoài, 30% kinh phí hội nghị, hội thảo.

Làm sao để gói hỗ trợ quốc gia 62.000 tỷ đồng đến tay đúng đối tượng, kịp thời, không có độ trễ? - Ảnh 4.

"Với số tiền này, riêng cơ quan Trung ương đã được khoảng 7 tỷ đồng tiết kiệm chi thường xuyên để tăng cường cho phòng, chống dịch" - Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Trên tinh thần chia sẻ trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương, trong kinh phí phòng, chống dịch, Bộ Tài chính cũng có phân bổ với địa phương. Cụ thể, những địa phương có khả năng cân đối ngân sách cao cần phải chủ động trong khi những địa phương có điều tiết về Trung ương dưới 50% sẽ được Trung ương hỗ trợ. Đối với những địa phương khó khăn, Trung ương sẽ hỗ trợ theo các mức 30%, 50% và 70%.

Khó khăn trong việc triển khai gói hỗ trợ tại các địa phương

Đến thời điểm này, cùng với các bộ, ngành, các địa phương cũng đã triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ. Yêu cầu đặt ra hiện nay là hỗ trợ đảm bảo đúng đối tượng trong thời gian sớm nhất, không để lòng vòng mãi mà không nhận được tiền, hạn chế đến mức thấp nhất độ trễ trong thực hiện chính sách như chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Tuy nhiên, việc triển khai một gói an sinh xã hội lớn nhất từ trước đến nay liên quan đến hàng chục triệu đối tượng thụ hưởng, do đó, chắc chắn không thể tránh khỏi những khó khăn vướng mắc.

Tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh, một trong những phường có dân số đông với khoảng 100 nghìn người, khoảng một nửa trong số ở đây là người nhập cư nên sự biến động nhân khẩu diễn ra hằng ngày. Do vậy, việc xác định nhóm đối tượng người lao động không có hợp đồng lao động bị mất việc làm là điều không hề dễ dàng. Bên cạnh đó, việc rà soát, thống kê các doanh nghiệp bị ảnh hưởng cũng gặp khó khăn.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh, trong quá trình phòng chống dịch, một số doanh nghiệp đã nghỉ kinh doanh và tạm ngưng kinh doanh hoặc chuyển địa điểm, do đó, phường đã phải tiến hành rà soát thực tế lại từ đầu.

Xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh cũng gặp khó khăn tương tự. Mặc dù có sự góp sức hiệu quả từ hệ thống chính trị hoạt động với sự tham gia của 16 Trưởng ấp, Tổ trưởng nhân dân và lực lượng công an khu vực cùng người dân sống trên địa bàn, địa phương này vẫn gặp không ít vướng mắc khi xác định những đối tượng lao động tự do.

Bà Lại Thị Bích Trâm, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh cho biết, khó khăn nhất trong việc xác định là các đối tượng lao động tự do, ví dụ như những người bán vé số trên địa bàn. Trong diện quản lý chung trên địa bàn, địa phương không quản lý những đối tượng này mặc dù vẫn biết những người này đang sống và thực hiện lao động tự do trên địa bàn. Ngoài ra, những người này còn thường di chuyển vào những thời điểm không ổn định như những đối tượng lao động khác.

Đối tượng hưởng gói hỗ trợ an sinh xã hội từ Chính phủ đa dạng và nhiều hơn nên việc xác định đúng đối tượng là công việc khá phức tạp. Tuy nhiên, trước đó, thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều kinh nghiệm trong việc triển khai nhiều gói hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn. Gần 21 nghìn người bán vé số, hộ nghèo vừa nhận được hỗ trợ 750 nghìn đồng/người. Danh sách các đối tượng này đã được hơn 320 phường, xã gửi lên thành phố với tên, tuổi, địa chỉ cụ thể và được liên thông với 24 quận, huyện. Bên cạnh đó, việc trao tiền hỗ trợ được giám sát bởi tổ chức Mặt trận ấp, khu phố, tổ dân phố nhằm hạn chế thấp nhất sai sót và trục lợi.

Lao động tự do - Đối tượng khó xác định nhưng lại chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ dịch bệnh COVID-19

Để xác định đúng đối tượng thụ hưởng, đảm bảo công bằng, không bỏ sót nhưng cũng không để chính sách bị lợi dụng là việc rất quan trọng. Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, đánh giá cao việc thực hiện trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh: "Chúng ta phải theo cách thức như vậy. Từ thôn, ấp, phường, xã đều lập danh sách và phải liên thông các quận, phường với nhau để chúng ta tránh sự trùng lặp".

Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho rằng, việc xác định hộ khẩu, tạm trú tạm vắng của các đối tượng lao động tự do đã khó, vấn đề xác định việc làm của họ cũng không hề đơn giản. Có những đối tượng có hợp đồng bằng văn bản nhưng cũng có những đối tượng chỉ có hợp đồng bằng miệng hay thậm chí hoàn toàn không có hợp đồng. Vì vậy, vai trò của phường, quận trong việc xác định và tập trung những đối tượng này là rất quan trọng.

Để xác định các đối tượng lao động tự do, ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, chúng ta cần phải thực hiện trên cơ sở là nếu đối tượng đó thường trú tại địa bàn thì xác định theo hộ khẩu thường trú còn nếu đối tượng di cư tự do thì phải có đăng ký tạm trú tạm vắng.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đồng ý rằng, xác định việc hỗ trợ đối với lao động tự do là vấn đề rất khó bởi khó có thể định lượng được các tiêu chí về công việc. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng khẳng định, đây lại là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất, tác động sâu nhất bởi đại dịch COVID-19.

Để khắc phục điều này, trong quyết định mà Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã dự thảo và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trong tuần này, Bộ đã liệt kê dự kiến các nhóm lao động tự do gồm: người bán hàng rong, bán quà vặt; người lái xe ôm, xích lô; người thu gom rác; người làm bốc vác; người bán vé số lưu động; người lao động tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe…

Làm sao để gói hỗ trợ quốc gia 62.000 tỷ đồng đến tay đúng đối tượng, kịp thời, không có độ trễ? - Ảnh 5.

Sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở những đối tượng như vậy, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, sẽ có Thông tư của các bộ chi tiết hóa thêm một bước nữa để các địa phương dựa vào đó khảo sát, đánh giá và lên danh sách cụ thể.

Quyết định và Thông tư khi được ban hành sẽ hướng dẫn chi tiết về các cơ quan, đơn vị quản lý và thực hiện. Ví dụ, đối tượng người có công, bảo trợ xã hội do ngành Lao động, Thương Binh và Xã hội tiến hành kê khai và trực tiếp chi trả hỗ trợ. Người thuộc diện nghèo và hộ nghèo do UBND cấp xã trực tiếp quản lý, kê khai và chi trả. Đối tượng thuộc diện tạm dừng đóng bảo hiểm do Bảo hiểm xã hội cấp huyện chi trả.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định sẽ lập một trang thông tin điện tử để công khai tất cả các chủ trương, chính sách giúp người dân dễ dàng tiếp cận với thông tin hơn.

Làm sao để chính sách hỗ trợ không bị lợi dụng trục lợi?

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hơn 5 nghìn công nhân của công ty may Vina Korea đặt tại tỉnh Vĩnh phúc đã phải nghỉ việc từ cuối tháng 3. Còn tại công ty Cổ phần Giầy Vĩnh Yên, các phân xưởng vẫn đang hoạt động, tuy nhiên, đơn hàng cũng chỉ còn đến hết tháng 4. Hiện tại, bộ phận làm giầy mẫu đã nghỉ do không có việc. Mỗi tháng, công ty này chi trả khoảng 24 tỷ đồng tiền lương. Nếu không có đơn hàng mới, khó khăn của công ty sẽ thêm chồng chất.

Đánh giá về gói an sinh 62 nghìn tỷ đồng, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tĩnh Vĩnh Phúc khẳng định là cần thiết lúc này, đặc biệt là khi nhiều doanh nghiệp sẽ được vay vốn từ ngân hàng với lãi suất 0% trong một năm để trả lương cho công nhân bị ngưng việc.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị quyết, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tĩnh Vĩnh Phúc đã ngay lập tức họp triển khai rà soát và phân loại đối tượng hỗ trợ. Các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định, sẽ giảm tối đa độ trễ trong việc cụ thể hoá các nội dung trong Nghị quyết, đảm bảo sự hỗ trợ đến đúng nơi, đúng chỗ các đối tượng là công nhân của 9 huyện, thị và thành phố thuộc tỉnh.

Có thể thấy, với nhiều doanh nghiệp, trong tình cảnh khó khăn tứ bề, việc người sử dụng lao động được ưu đãi khi vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với những quy định đặc biệt về lãi suất và tài sản đảm bảo là sự hỗ trợ rất quý giá. Tuy nhiên, cần gắn trách nhiệm của người sử dụng lao động như thế nào để chính sách không bị lợi dụng?

Đối với vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định, có những ràng buộc nhất định rằng người sử dụng lao động chỉ được vay khi đã trả 50% mức lương cho người lao động. Ngoài ra, việc trả lương theo chính sách hỗ trợ không phải trả qua doanh nghiệp mà trả thẳng cho người lao động. Doanh nghiệp chỉ có trách nhiệm lập danh sách và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ xem lại toàn bộ danh sách trả lương đó để chuyển thẳng lương về người lao động. Do đó, doanh nghiệp khó có thể trục lợi từ chính sách.

Gói hỗ trợ quốc gia 62.000 tỷ đồng: Quyết định chưa có tiền lệ Gói hỗ trợ quốc gia 62.000 tỷ đồng: Quyết định chưa có tiền lệ

VTV.vn - Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng với 20 triệu người được hưởng chính sách thể hiện rằng Đảng, Nhà nước rất chia sẻ những khó khăn của người dân trong đại dịch COVID-19.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước