Làm thế nào để giảm thiểu lãng phí trong đầu tư công?

Thái Thanh-Thứ bảy, ngày 24/05/2014 16:28 GMT+7

Ý kiến của một số đại biểu Quốc hội dưới đây sẽ góp phần trả lời câu hỏi làm thế nào để giảm thiểu thất thoát, lãng phí trong đầu tư công

Đầu tư của Nhà nước có vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Vốn đầu tư của Nhà nước, được coi là “vốn mồi” thu hút nguồn vốn đầu tư khác nhau của xã hội. Nhưng thời gian qua, nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng đầu tư dàn trải, gây lãng phí và bức xúc trong dư luận. Ý kiến của một số đại biểu Quốc hội sau đây, sẽ góp phần trả lời câu hỏi làm thế nào để giảm thiểu thất thoát, lãng phí trong đầu tư công.

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, chúng ta đang thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu đầu tư công, sử dụng hiệu quả hơn nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, trong đó có việc sửa luật đầu tư công, là vấn đề cấp bách. Để giảm thiểu lãng phí trong đầu tư, có ý kiến cho rằng, cần ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm của người ra quyết định chủ trương đầu tư, ngay cả khi dự án đã được đưa vào vận hành.

Ông Mai Xuân Hùng, đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang nói: “Luật đầu tư công hiện nay đang sửa theo hướng làm thế nào đấy đưa vào trách nhiệm của những người ra chủ trương đầu tư, phải đúng, theo đúng nguồn lực của mình. Chẳng hạn, bây giờ một dự án đầu tư khi thông qua luật đầu tư lần này, vấn đề đặt ra là các dự án sẽ được bám sát, đến khi dự án thành công hay không thành công ấy, đầu tiên phải cột trách nhiệm cho người ra chủ trương đầu tư. Cơ sở cho người ra chủ trương đầu tư là có quy hoạch, có nguồn vốn trong tay rồi mới ra chủ trương đầu tư, các quy trình thiết kế giám sát phải được đặt ra cao hơn so với trước”.

Ràng buộc trách nhiệm người ra quyết định đầu tư là đúng. Nhưng khi chủ thể quyết định chủ trương đầu tư là Quốc hội, Hội đồng nhân dân hoạt động theo nhiệm kỳ, quyết định theo đa số, việc ràng buộc thế nào? Một số đại biểu đề nghị trong trường hợp này luật pháp cần phải có chế tài ràng buộc trách nhiệm của người làm công tác tham mưu những dự án công trình kém hiệu quả

Ông Ngô Văn Minh, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam nói: “Quốc hội và Hội đồng nhân dân là những cơ quan dân cử, tôi đề xuất phải ghi trong luật là những người tham mưu đề xuất phải có trách nhiệm trước tiên. Khi người đề xuất cho Quốc hội, cho Hội đồng nhân dân những dự án công trình không thực sự cấp thiết, với tổng mức đầu tư quá lớn, gây ra không hiệu quả, không đáp ứng được yêu cầu nguyện vọng của nhân dân, không phù hợp với tình hình, người đề xuất chương trình ấy là phải chịu trách nhiệm trước tiên”.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc nói: “Chúng ta phải phân định rõ những cái gì đầu tư công và những gì cần phải xã hội hóa nó. Một trong những điều quan trọng nhất của đầu tư công, là phải minh bạch để mọi người dân đều hiểu được cái gì chúng ta cần đầu tư công để phát triển KT-XH và để giám sát theo 3 giai đoạn, tiền kiểm, đánh giá, công khai một cách tối đa để người dân đánh giá được hiệu quả của đầu tư công”.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước