Làm thế nào để thu hồi hết tài sản của quan tham?

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 13/08/2017 10:00 GMT+7

VTV.vn - Phòng chống tham nhũng tiếp tục là đề tài được các báo tập trung phân tích và bình luận trong tuần qua (7-13/8).

Khi Đảng đã thống nhất một ý chí, một quyết tâm chống tham nhũng để làm trong sạch bộ máy của Đảng và chính quyền đã hiệu triệu được lòng dân trong cuộc đấu tranh với quốc nạn này, trong đó có sự đồng lòng của báo chí.

Tuổi trẻ: Hiệu triệu lòng dân chống tham nhũng

PGS.TS Lê Quốc Lý - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: Những kết quả trong cuộc chiến phòng chống tham nhũng thời gian gần đây đã đem lại niềm tin cho nhân dân. Tuy nhiên, cũng phải nói ngay rằng, cuộc chiến phía trước sẽ còn khó khăn hơn, phức tạp hơn.

Những lãnh đạo cao nhất của quốc gia đang có quyết tâm mạnh mẽ, tuy nhiên, ở các cấp vẫn còn tình trạng thiếu quyết liệt, trong công tác kiểm tra chỉ là dưới báo cáo lên trên, rồi trông chờ. Đó cũng là một nguy cơ, bộc lộ sức chiến đấu của bộ máy còn kém, những người tiên phong, lăn xả vào công việc còn ít.

Cuộc chiến chống tham nhũng sẽ ngày càng khó khăn, phức tạp hơn, đặc biệt cuộc chiến với lợi ích nhóm. Chuyện người này sa lưới, người kia ra trước vành móng ngựa, người nọ trong tầm ngắm… được dư luận hoan nghênh. Nhưng điều mà dư luận mong chờ hơn là những đối tượng đó bị xử lý như thế nào? Những tài sản thất thoát như "núi Thái Sơn" có thể thu hồi được hay không?

Thanh niên: Phải thu hồi hết tài sản của quan tham

Theo GS-TS Lê Hồng Hạnh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Pháp luật và Kinh tế ASEAN, tổng kết 10 năm thực thi luật Phòng chống tham nhũng cho thấy, thiệt hại do các vụ án, vụ việc tham nhũng được phát hiện gần 60.000 tỉ đồng và trên 400 ha đất. Tuy nhiên, tỷ lệ thu hồi cho Nhà nước chỉ khoảng gần 5.000 tỉ đồng và hơn 200 ha đất.

Cuộc chiến chống tham nhũng đến giờ không thể chỉ cho "cho thôi chức", "cách chức nguyên này, nguyên nọ". Muốn chống tham nhũng hiệu quả phải làm cho những người đã tham nhũng phải nộp lại hết những thứ đã "ăn" của dân, của Nhà nước, của doanh nghiệp và bản thân phải chịu tù tội. Còn những người đang muốn tham nhũng để "hy sinh đời bố, củng cố đời con, đời cháu" sẽ không còn dám làm điều đó.

Làm thế nào để thu hồi hết tài sản của quan tham? - Ảnh 3.

Tiền phong: Phòng chống tham nhũng: Vẫn còn thói "hy sinh đời bố, củng cố đời con"

Đồng tình với nhận định này, trên tờ Tiền Phong, Cục trưởng Chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ Phạm Trọng Đạt cho rằng, thu hồi tài sản cán bộ tham nhũng hiện nay còn rất hạn chế là do công tác quản lý về mặt con người. Không kê khai tài sản thì không thể quản lý, giám sát. Không giám sát được tài sản của cán bộ thì càng về lâu về dài càng khó phát hiện, thu hồi tài sản tham nhũng. Việc kê khai tài sản còn giúp công tác quản lý phát hiện và là cơ sở để thu hồi tài sản nếu phát hiện ra tham nhũng về sau.

Thực hiện Luật pháp chống tham nhũng, đặc biệt là sau khi có Nghị quyết Trung ương 4, việc kê khai tài sản được triển khai thường xuyên, rộng rãi. Tuy nhiên, trong năm 2015, số người phải kê khai tài sản thu nhập là trên 1 triệu người nhưng chỉ có 5 người bị kết luận là không trung thực. Năm 2016, trong số 1 triệu bản kê khai, các cơ quan chức năng tiến hành xác minh 414 người nhưng lại chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm.

Đại đoàn kết: Sự thật sau kê khai

Tờ Đại Đoàn kết cho rằng: Đây là con số trái ngược với nhận định và thực tế là tình hình tham nhũng vẫn rất nghiêm trọng. Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành quy định về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của khoảng 1.000 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; được coi là biện pháp để kiểm soát hành vi, tính liêm chính của đội ngũ cán bộ, công chức trong quá trình làm việc.

Đã đến lúc cần xử lý nghiêm việc kê khai tàn sản không trung thực, tránh bệnh hình thức trong kê khai tài sản. Như vậy, việc ngăn chặn, xử lý hành vi tham ô, tham nhũng mới có hiệu lực thực sự.

Kê khai tài sản là một trong những biện pháp phòng ngừa tham nhũng. như trên tờ Lao động, PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: Cuộc chiến phòng chống tham nhũng, phải phòng là chính.

Làm thế nào để thu hồi hết tài sản của quan tham? - Ảnh 6.

Lao động: Phải xử lý tham nhũng vặt, nếu không sẽ tích tụ thành tham nhũng lớn

Tổ chức Đảng phải thường xuyên kiểm tra, giám sát xem đảng viên, cán bộ trong cấp ủy của mình làm những gì để kịp thời uốn nắn. Phải tăng cường công khai minh bạch trong tổ chức. Muốn phòng, chống được tham nhũng lớn thì cũng phải chú ý đến phòng, chống và xử lý nghiêm cả tham nhũng vặt, vì từ những tham nhũng vặt, nếu không xử lý sẽ tích tụ thành lớn.

Theo tờ Tuổi Trẻ, nếu chú tâm đọc lại Công ước chống tham nhũng của Liên Hợp Quốc, Việt Nam là một trong những nước ký sớm nhất, không thể không tự đặt câu hỏi: Tại sao sau phần "Lời nói đầu" và chương 1 gồm "Những quy định chung", chương 2 dành cho "Các biện pháp phòng ngừa"?

Tuổi trẻ: Cần một lưới ngăn "thường trực"

Trong những vụ việc xảy ra thời gian qua, có thể thấy, chẳng cần phải to như "hổ" mới có thể gây thất thoát, mà bé bằng con "muỗi" như một nhân viên chi nhánh ngân hàng cấp huyện cũng có thể làm giả hồ sơ vay vốn để chiếm đoạt trên 100 tỉ đồng, với sự "nhắm mắt" của sếp chi nhánh ngân hàng đó.

Chuyện này đã kéo dài từ năm này sang năm khác, vậy mà vẫn cứ tiếp diễn không ngừng! Có phải do vẫn còn thiếu một cái lưới phòng ngừa tổng thể?


Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước