Làm từ thiện là điều tốt, xã hội luôn trân quý và khuyến khích mọi người làm từ thiện. Làm từ thiện không dừng ở việc trao 1 món quà mà còn là trao đúng người, đúng lúc và đúng thứ mà những người nghèo, người khó khăn cần. Để làm từ thiện đúng, trước khi bắt đầu chiến dịch hãy đặt câu hỏi với chính mình và với những người nhận là họ cần gì. Mỗi đối tượng ở mỗi hoàn cảnh, mỗi giai đoạn, thứ họ cần sẽ khác nhau.
Bản tính của người Việt là dễ thương người, miễn là có thể san sẻ điều gì đó tốt đẹp cho người khó khăn hơn, người Việt sẵn sàng làm. Bằng chứng là Việt Nam dẫn đầu châu Á - Thái Bình Dương về việc làm từ thiện. Đây là thống kê được đưa ra từ năm 2017. Vậy làm từ thiện có cần phải học hay không khi mục đích của từ thiện đơn giản là giúp đỡ ngay tại thời điểm họ gặp khó khăn, tức là mang tính chất tức thời, cấp bách?
Rõ ràng, làm từ thiện không chỉ bằng trái tim mà còn phải bằng lí trí. Trước khi làm phải xác định đối tượng là ai, văn hóa đặc trưng vùng miền như thế nào, hoàn cảnh ra sao, cần cái gì và quan trọng nhất là làm từ thiện bằng 1 trái tim không vụ lợi. Không ít trường hợp trục lợi trên chính số tiền từ thiện, mượn danh từ thiện để đánh bóng bản thân, lấy lòng công chúng vì mục đích cá nhân. Người nghèo khó vốn rất dễ bị tổn thương và cũng giàu lòng tự trọng. Trong cứu trợ, các hoạt động từ thiện, lòng tự trọng cần từ 2 phía.
Từ thiện là một việc hoàn toàn tự nguyện, tùy tâm, không có tính vụ lợi, nhưng không phải là không có bất kỳ nguyên tắc nào. Do đó, hãy làm từ thiện đúng cách, đó là giúp đỡ tạm thời để vơi bớt khó khăn nhưng cao hơn nữa là làm sao mang lại lợi ích cho cộng đồng mà không gây hại cộng đồng, cho như thế nào để kích thích người nhận tự phát triển, không vô tình triệt khả năng tự lực rồi quay sang trông đợi vào người khác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!