Theo bản dự thảo Nghị định đang được gửi đi lấy ý kiến thì hoạt động sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ sẽ được coi là hoạt động kinh doanh có điều kiện, nghĩa là các nghệ nhân, hộ gia đình đang theo nghề vàng bạc sẽ phải thành lập doanh nghiệp, phải có giấy phép mới tiếp tục được sản xuất, kinh doanh.
Một căn phòng nhỏ chưa đầy 20m2, vài cái bàn, vài loại công cụ thô sơ... Từ nhiều đời nay, người thợ thủ công làng Châu Khê (Hải Dương) chỉ cần có vậy để làm ra những món đồ vàng, bạc trang sức có tiếng khắp cả nước.
Ông Vũ Hữu Tuyến, Thợ gia công vàng bạc Làng nghề Châu Khê cho biết: “Người làm nghề chỉ cần một bộ bầu bễ, một cái bàn, nỉa, búa. Thế là người làm nghề đủ sản xuất ra một sản phẩm tiêu thụ trên thị trường”.
Làng Châu Khê có hơn 100 hộ làm nghề vàng bạc. Mô hình nhỏ gọn, lại chỉ chuyên gia công cho các cửa hàng, doanh nghiệp vàng bạc lớn, số thợ cũng chỉ có vài người là các thành viên trong gia đình nên mô hình kinh tế hộ gia đình là phù hợp nhất với họ. Hiện số hộ thành lập doanh nghiệp chỉ tính trên đầu ngón tay, do vậy, khi biết quy định trong Dự thảo Nghị định quản lý thị trường vàng yêu cầu các hoạt động gia công vàng trang sức đều phải thành lập doanh nghiệp, phải có giấy phép kinh doanh, các hộ dân ở đây tỏ ra băn khoăn vì đó sẽ là các rào cản đối với họ.
Nghệ nhân Phạm Minh Tiến, Chủ Dự án phát triển làng nghề Châu Khê: “Theo trào lưu công nghiệp hóa, cũng cần thành lập doanh nghiệp, nhưng hiện tại với chúng tôi, 100% gia đình với 1000 tay thợ là không phù hợp. Thứ nhất, năng lực các hộ chưa đáp ứng được, mà như thế thêm việc cho chúng tôi, thêm việc, thêm chi phí, đẩy giá thành lên”.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Hiệp hội Vàng Việt Nam: “Nếu bắt họ 1 gia đình có 1, 2 người thợ thành lập một doanh nghiệp là khó khăn, trong khi họ không tham gia buôn bán, họ chỉ bỏ công sức lao động để đạt được sản phẩm theo đơn đặt hàng là không cần thiết”.
Chính phủ đang có nhiều chính sách khuyến khích phát triển các làng nghề thủ công truyền thống như miễn giảm thuế, hỗ trợ đào tạo tay nghề… Nay Dự thảo Nghị định lại đưa ra yêu cầu thành lập doanh nghiệp, yêu cầu phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh có thể đi ngược lại các chính sách khuyến khích trước đó.
TS.Lê Ngọc Dũng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam: “Do quản lý phiền hà, nhiều công đoạn, họ sẽ bỏ nghề đi làm nghề khác, sẽ thiệt hại cho ngành rất lớn. Hiện nay, ngành này mang lại 500 đến 700 đến cả tỷ USD xuất khẩu mà lực lượng lao động giải quyết cho hàng vạn người. Một chính sách ảnh hưởng đến một chính sách, chúng ta phải nghiên cứu kỹ”.
Nghề vàng bạc bao đời nay đang giúp đời sống người thợ thủ công nơi đây khấm khá lên. Tuy nhiên, để làng nghề tiếp tục phát triển, các giá trị tinh hoa truyền thống được lưu truyền, nghệ nhân yên tâm sống với nghề, cần các chính sách khuyến khích nhất quán.
Để làm một chiếc dây chuyền vàng tinh xảo, không cần các thiết bị hiện đại, hay một cơ sở vật chất đồ sộ, quan trọng nhất là bàn tay khéo léo, tỷ mẩn của những nghệ nhân. Do vậy, đã có không ít người đặt câu hỏi ngành chế tác, gia công, sản xuất vàng mỹ nghệ có cần thiết là một ngành sản xuất có điều kiện như Dự thảo?