Một gia đình người Raglai bên bếp lửa. Ảnh: Internet
Một thực tế là ở nhiều tỉnh miền Trung nhiều năm nay, nếu như những ngôi làng ven biển tập trung sinh con trai, thì ở miền núi lại tập trung sinh con gái. Cả hai thái cực đều khiến cho gia tăng dân số rất khó kiểm soát, nghĩa là khó nâng cao chất lượng dân số - yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng cuộc sống.
Một làng có 56 hộ gia đình thì đã có 20 hộ nghèo, 17 hộ cận nghèo, rất nhiều người không biết chữ. Đó là làng Suối Rua, xã Cam Thịnh Tây, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Một trong những nguyên nhân chính là chỉ vì muốn sinh con gái theo chế độ mẫu hệ mà cả làng rơi vào cảnh nhà nào cũng đông con.
Như nhà của Mấu Thị Rai là một ví dụ. Một tháng nữa, Mấu Thị Rai sẽ sinh con. Ngôi nhà nhỏ đã có 7 đứa con sẽ càng chật chội hơn và nỗi lo như càng nặng hơn. Để đủ cái ăn, cái mặc cho cả gia đình 10 người đã là khó, chuyện học hành của những đứa trẻ trong gia đình Mấu Thị Rai hầu như chẳng được để tâm. Phần lớn thời gian trong ngày, các em lên rẫy.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Rai bảo, “biết sinh con nhiều sẽ khổ nhưng ở đây, cả làng Suối Rua ai cũng muốn có nhiều con, nhất là con gái vì con gái bắt được chồng - Theo cách nói của người Raglay trong làng, như thế trong nhà mới có người làm việc, có người để trông cậy lúc tuổi già”.
Sắn là nguồn thu nhập duy nhất của gia đình ông Mấu Khoáng, nhưng đã bị hỏng do trời mưa. Cái ăn trở nên chật vật so với 4 nhân khẩu trong nhà. Nếu sinh con thêm, chắc chắn sẽ càng bấp bênh nhưng Mấu Khoáng vẫn muốn sinh thêm con, bởi 2 đứa con của Mấu Khoáng là con trai và như thế theo quan niệm của người trong làng là chưa đủ.
Ông Bo Bo A Kin, Phó chủ tịch UBND xã Cam Thịnh Tây cho biết: “Có hộ sinh 5 đứa con trai rồi vẫn sinh. Vận động thì họ nói cũng biết nhưng sinh con gái để giữ nhà. Vì vậy, cách xử lý lcủa địa phương chỉ có thể là không xét trong diện cấp quà, hạn chế hưởng chính sách ưu đãi…”.
56 hộ trong làng Suối Rua đã có 20 hộ nghèo, 17 hộ cận nghèo. Người lớn trong làng đa phần không biết chữ, trẻ con thì học cao lắm cũng chỉ đến lớp 7, lớp 8. Một vòng luẩn quẩn cứ đeo bám làng Suối Rua, muốn nhiều con để có lao động những mong thoát nghèo, nhưng nhiều con thì lại càng nghèo khó và nghèo khó thì người làng lại muốn nhiều con… Bình quân một hộ có từ 5-6 con, có hộ 8-9 đứa con.
Hàng ngày, Mang Nhơ, trưởng thôn Suối Rua vẫn chịu khó đi vận động các gia đình thực hiện kế hoạch hóa gia đình, nhưng đó là chuyện không dễ. Ban ngày, cả làng lên rẫy, gặp được người để vận động là chuyện hy hữu. Rất may Mang Nhơ là người cùng làng, không kể thời gian, lúc nào anh cũng có thể trò chuyện, thuyết phục các gia đình sử dụng biện pháp tránh thai.
Nếu so với cách đây 5 năm, tình hình thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình ở Suối Rua đã cải thiện, nhưng để thay đổi thực sự về chất lượng dân số, cần nhiều năm thường xuyên vận động thuyết phục để đồng bào Raglay hiểu được con trai, con gái cũng là con, khi đó, mức giảm sinh mới đạt được theo yêu cầu. Nhưng những cộng tác viên dân số như Mang Nhơ liệu có gắn bó lâu dài với công việc này khi mà trợ cấp hàng tháng chỉ là 50.000 đồng, trong khi tuyên truyền chương trình dân số không dễ dàng ở những ngôi làng có khá nhiều đặc thù về quan niệm sinh con như Suối Rua...