Vẫn còn lao động Việt Nam bị "kẹt" tại Libya.
30 phút trước khi chuyến bay cất cánh, hơn 10 tấn lương thực cứu trợ được vận chuyển lên máy bay. Mì tôm, bánh, nước uống... những kiện hàng sẽ trở nên rất quý giá với người lao động Việt Nam đang lưu lạc tại Libya và các quốc gia lân cận. Tổ công tác do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng ghé sang Cairo (Ai Cập) trước, rồi đến Tunisia. Ngay trong ngày mai, hơn 300 lao động Việt Nam tại Ai Cập sẽ được hỗ trợ nhanh chóng làm các thủ tục trở về nước.
Tính đến thời điểm này, 7000 lao động Việt Nam tại Libya đã được di chuyển đến các quốc gia láng giềng, số lao động vẫn đang mắc kẹt còn lại khoảng 4000 người. Nhanh chóng đưa họ đến nơi an toàn và cứu trợ đồ ăn, thức uống là việc cần thiết phải làm ở thời điểm này. Tuy nhiên, việc liên lạc với người lao động đang gặp rất nhiều trở ngại. Phần đông đều không còn giấy thông hành nên việc làm thủ tục sang các nước là vô cùng khó khăn. Ngay trong đợt công tác này, Sở Chỉ huy Tiền phương đặt tại Tunisia sẽ cùng với các 4 nhóm công tác khác của chính phủ trực tiếp điều phối việc di tản lao động Việt Nam về nước.
Công tác sơ tán gặp nhiều khó khăn do thiếu phương tiện vận chuyển, thủ tục. Ngay khi các đoàn công tác lên đường, Vietnam Airlines cũng đã sẵn sàng một chuyến bay và hàng cứu trợ. Nếu Sở chỉ huy tiền phương yêu cầu, máy bay này sẽ lên đường ngay để đưa người lao động trở về. Phương án sử dụng thêm máy bay quân sự cũng được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự kiến. Dốc toàn lực và kêu gọi sự chung tay, giúp đỡ của các lãnh sự và tổ chức quốc tế - việc di tản lao động Việt Nam đến nơi an toàn và về nước được gấp rút triển khai.