Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Vũ Xuân Thành phát biểu tại hội thảo.
Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Ban soạn thảo Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều phối hợp với Quỹ nhi đồng liên Hợp Quốc (UNICEF) tổ chức Hội thảo tham vấn lấy ý kiến về "Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều".
Tham dự Hội thảo có gần 100 đại biểu đến từ Bộ Nông nghiệp và PTNT, Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc Hội, các tổ chức Quốc tế và đại diện UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Thủy lợi, Văn Phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT và TKCN của 19 tỉnh khu vực phía Nam.
Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều và các văn bản hướng dẫn cùng với các Luật khác có liên quan được ban hành đã góp phần hoàn thiện đáng kể hành lang pháp lý trong công tác phòng, chống thiên tai, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương trong thời gian qua. Tuy nhiên, trong quá trình thi hành Luật đã phát sinh một số bất cập hạn chế lớn, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình hiện nay trong điều kiện thiên tai ngày càng phức tạp khó lường dưới tác động của biến đổi khí hậu.
Việc xây dựng dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách đổi mới của Đảng, nhà nước về phòng, chống thiên tai, đê điều; kế thừa những quy định đã khẳng định tính phù hợp, các nội dung sửa đổi, bổ sung phải đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, khắc phục được những hạn chế, bất cập; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành thuộc hệ thống pháp luật Việt Nam; đáp ứng nhu cầu phát triển, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, đê điều. Trong đó, tập trung chủ yếu sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong quá trình thực hiện đã bộc lộ những vướng mắc lớn, được tổng kết đánh giá rõ cần thiết phải sửa đổi, bổ sung.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Vũ Xuân Thành cho biết: theo chương trình xây dựng Luật, Dự thảo Luật sẽ được tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương để báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội khóa XIV thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 sắp tới.
Bà Rana Flowers, trưởng văn phòng đại diện đại diện Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tại TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo.
Bà Rana Flowers, trưởng văn phòng đại diện đại diện Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam cho biết: Việt Nam có một lịch sử lâu đời trong việc tăng cường các hệ thống và cách tiếp cận lấy người dân làm trung tâm, cũng được quy định trong Hiến pháp năm 2013. Vì vậy, trong công tác phòng, chống thiên tai, việc sửa đổi Dự án Luật phòng chống thiên tai cần đảm bảo rằng người dân, trong đó đặc biệt trẻ em là nhóm dễ bị tổn thương nhất, là trung tâm của hệ thống và đóng vai trò tích cực, chủ động, giúp công tác quản lý rủi ro thiên tai, chuẩn bị và ứng phó được hiểu quả. UNICEF cũng khuyến nghị rằng việc chuyển sang hệ thống phòng, chống thiên tai lấy người dân làm trung tâm phải được đề cập rõ ràng và được định nghĩa trong dự án Luật sử đổi lần này.
Về một số nội dung sửa đổi cần tham vấn ý kiến, ông Nguyễn Viết Tiến, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh tra, Tổng cục Phòng, chống thiên tai cho biết: Dự thảo sửa đổi sẽ quy định bổ sung một số loại hình thiên tai gồm: Sương mù, gió mạnh trên biển là những hiện tượng tự nhiên có thể gây thiệt hại lớn về người, tài sản, môi trường và sự phát triển kinh tế xã hội cần được quy định cụ thể trong Luật; Bổ sung công trình giám sát thiên tai vào công trình phòng, chống thiên tai; chính sách ưu tiên cho các hoạt động điều tra cơ bản, quy hoạch, khoa học công nghệ, đào tạo, nâng cao năng lực cho người làm công tác phòng, chống thiên tai; Đào tạo, huấn luyện, cung cấp phương tiện, trang thiết bị và có chính sách hỗ trợ cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai; Xác định lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai với nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ và các tổ chức, đoàn thể khác tại địa phương và người làm công tác phòng, chống thiên tai là một trong các nguồn nhân lực cho phòng, chống thiên tai; Bổ sung Quỹ phòng, chống thiên tai ở trung ương để xử lý khi có tình huống thiên tai nghiêm trọng xảy ra, đồng thời để tiếp nhận, phân phối nguồn hỗ trợ, cứu trợ của các tổ chức quốc tế cho công tác ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả thiên tai; Xác định Quy hoạch phòng chống thiên tai và thủy lợi đã quy định tại Luật Quy hoạch làm cơ sở để tổ chức thực hiện; Bổ sung 01 Điều về Điều tra cơ bản phòng, chống thiên tai; bổ sung một số nội dung cụ thể trong kế hoạch phòng, chống thiên tai cấp tỉnh và cấp quốc gia; Bổ sung 01 Điều về Kiểm soát an toàn phòng, chống thiên tai; Bổ sung các hình thức thông tin, truyền thông và giáo dục về phòng, chống thiên tai; Tổ chức thực hiện nâng cao nhận thức cộng đồng, đào tạo lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai; Bổ sung quy định việc xây mới đối với công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, thông tin, thủy lợi, điện lực, trường học, cơ sở y tế và công trình hạ tầng công cộng là một trong các hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai; bổ sung nguồn lực hỗ trợ từ quốc tế cho hoạt động cứu trợ khẩn cấp, hỗ trợ trung hạn và hỗ trợ dài hạn; Bổ sung quy định thẩm quyền kêu gọi, tiếp nhận và triển khai các khoản hỗ trợ khẩn cấp trong và ngoài nước trong các tình huống khẩn cấp do thiên tai đối với Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai và thẩm quyền vận động quyên góp cho các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Bổ sung 01 Điều về Khoa học và Công nghệ phòng, chống thiên tai; Bổ sung trách nhiệm thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai đối với Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai trong việc hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và tổng hợp kết quả triển khai thực hiện các nguồn lực hỗ trợ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; Bổ sung 01 Điều về Thanh tra phòng, chống thiên tai.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã có những tham luận, chia sẻ về vấn đề những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật, những ý kiến góp ý về quỹ phòng chống thiên tai, lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai, nguồn tài chính, kiểm soát an toàn thiên tai,…cần phải được quy định cụ thể làm cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện trong thực tiễn.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Vũ Xuân Thành đánh giá cao những ý kiến góp ý của các đại biểu đến từ các Bộ, ngành, địa phương và các đại biểu khách mời đối với dự thảo Luật, những ý kiến góp ý đã chỉ ra các khoảng trống về pháp lý, những bất cập vướng mắc trong thực tiễn triển khai các dự án, cần phải tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi trong dự án Luật. Vì vậy, với vai trò cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật, Tổng cục Phòng, chống thiên tai sẽ tổng hợp tiếp thu các ý kiến, nghiên cứu sửa đổi để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật.
Sau Hội thảo tại TP. Hồ Chí Minh cho các tỉnh phía Nam, các Hội thảo thu nhận ý kiến đóng góp cho Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật PCTT và Luật Đê điều tại Ninh Thuận vào ngày 14/6 cho các tỉnh khu vực miền Trung và tại TP. Hải Phòng cho các tỉnh khu vực phía Bắc để Ban soạn thảo Luật tiếp thu ý kiến chỉnh sửa và trình Quốc hội trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!