Giàn khai thác khí Lan Tây. Ảnh: dantri
Đây là sự kiện tiếp nối kết quả của thỏa thuận đạt được giữa TNK-BP với BP vào tháng 10 năm nay về việc mua lại cổ phần của BP tại các tài sản thượng nguồn, đường ống dẫn khí và sản xuất điện của BP tại Việt Nam và Venezuela. Thuơng vụ này có tổng giá trị 1,8 tỷ USD.
Sau khi chính thức tiếp nhận giấy phép đầu tư cho lô 06.1 vào tháng 10/2011, công ty TNK Việt Nam đã tiếp nhận quyền điều hành giàn khai thác khí Lan Tây và đang tìm kiếm cơ hội cho phát triển như mua lô mới, mua lại cổ phần tại các lô đang hoạt động. Công ty này sẽ tham dự đấu thầu cho các lô ngoài khơi, hiện đang được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) mở thầu.
Ông Chris Einchcomb, Phó Chủ tịch phụ trách các dự án quốc tế và thượng nguồn của TNK-BP đánh giá: “Việt Nam là một điểm đầu tư hấp dẫn và TNK-BP có mặt ở đây với chiến lược phát triển dài hạn. Hiện nay, chúng tôi đang tập trung hợp nhất hóa tài sản mới vào hoạt động vận hành của tập đoàn TNK-BP, đồng thời tìm kiếm cơ hội phát triển để làm lớn mạnh sự hiện diện của chúng tôi tại Việt Nam”.
Như vậy, với sự xuất hiện của TNK-BP, sẽ có tới 4 công ty của Nga tham gia đấu thầu thăm dò khai thác mỏ khí đốt trên thềm lục địa Việt Nam. Gói dự thầu chủ yếu là đề án trong lĩnh vực khí đốt. Trữ lượng các mỏ này cần được đánh giá thêm, nhưng ước tính khoảng 20-30 triệu tấn.
Ông Hugh McIntosh, Tổng Giám đốc TNK Việt Nam khẳng định: “Mối quan tâm chung của chúng tôi và đối tác PetroVietnam là làm sao tăng cường hợp tác trong lĩnh vực dầu khí tại Việt Nam và trên thế giới. Với đội ngũ tay nghề cao, chúng tôi tin tưởng sẽ đóng góp vào việc cung cấp nguồn năng lượng an toàn và tin cậy cho người dân Việt Nam”.
Ngoài Việt Nam, các công ty dầu khí Nga đã hoạt động thành công tại Indonesia, Malaysia, Ấn Độ và các nước khác trong khu vực. Việc hợp tác cùng có lợi bao gồm hỗ trợ thiết lập cơ sở hạ tầng dầu mỏ và khí đốt ở các nước này và sự hội nhập của họ vào lưới điện châu Á.
Tại Diễn đàn châu Á ở Trung Quốc hồi tháng 4, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã đề xuất với các đối tác lộ trình tăng cường hợp tác đa phương. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh vào hợp tác an ninh năng lượng với các nước châu Á.