Quang cảnh buổi tiếp.
Chính phủ Việt Nam sẽ kiên định thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ để ngăn chặn hiệu quả, không để dịch bệnh COVID-19 lây lan. Đây là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi tiếp Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam Kamal Malhotra chiều 10/3.
Thủ tướng nhấn mạnh nhờ việc cách ly những người nghi ngờ bị nhiễm bệnh được thực hiện sớm và cương quyết, đi cùng với việc huy động cả hệ thống chính trị và các lực lượng tham gia tích cực, đồng bộ, nên đến nay dù số người bị mắc COVID-19 có tăng lên nhưng Việt Nam vẫn cơ bản kiểm soát tốt được dịch bệnh này, trong đó đã chữa khỏi cho 16 người. Sau hơn 2 tháng triển khai, phương châm "chống dịch như chống giặc" đã được toàn dân Việt Nam hết sức ủng hộ, cũng như được Tổ chức Y tế thế giới và các nước đánh giá rất cao.
Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc Kamal Malhotra đánh giá cao Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp trong giai đoạn 1 để chặn đà lây lan của SARS-CoV-2. Nhờ đó, Việt Nam là quốc gia duy nhất đã chặn đứng được số người mắc và chữa khỏi cho cả 16 người. Liên Hợp Quốc đã chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong giai đoạn 1 với các nước trên thế giới.
Còn ở giai đoạn 2 Việt Nam đang triển khai hiện nay, dù có thêm người bị nhiễm bệnh, nhưng Liên Hợp Quốc vẫn đánh giá cao Chính phủ đang chủ động triển khai các biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Tuy nhiên, không riêng Việt Nam, các quốc gia khác cũng đang đứng trước ngã rẽ quyết định về ứng phó với COVID-19.
Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc cho rằng, hiện các nước đang tập trung vào ngăn chặn sự lây nhiễm cá thể nhưng tương lai khi virus này thay đổi, cần tăng cường các nguồn lực để giám sát sự lây lan rộng của virus, cũng như điều trị các ca bệnh nặng. Nhất là tới đây, dịch bệnh này có thể gây ra xáo trộn xã hội, vì thế các Chính phủ cần tăng cường truyền thông giảm thiểu tác động của dịch bệnh tới kinh tế, giáo dục, y tế và xã hội.
Trong quá trình này, các tổ chức Liên Hợp Quốc sẽ có các tiếp cận và hỗ trợ Việt Nam về công nghệ, kỹ thuật cũng như đánh giá giảm thiểu tác động của dịch bệnh tới kinh tế - xã hội. Ông Kamal Malhotra khẳng định Liên Hợp Quốc luôn sát cánh cùng Chính phủ ứng phó tốt với dịch bệnh COVID-19 trong giai đoạn 2 với những diễn biến phức tạp, khó lường.
Đề cập tới vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc của Việt Nam từ đầu năm đến nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, riêng trong tháng Chủ tịch, Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều sự kiện, qua đó tạo sự kết nối với vai trò Chủ tịch ASEAN. Trong tất cả các vấn đề, Việt Nam đều tham gia tích cực, chủ động, với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, dựa trên lập trường nguyên tắc xây dựng và trách nhiệm vì lợi ích chung, vì hòa bình, ổn định ở các khu vực.
Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc khẳng định, Việt Nam đã đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong một tháng khó khăn, nhiều thách thức, nhất là tình hình ở Syria. Thế nhưng, các quan chức ở Hội đồng Bảo an đánh giá Việt Nam là quốc gia có sự chuẩn bị tốt nhất cho vai trò của mình ở cơ quan rất quan trọng này của Liên Hợp Quốc. Ông Kamal Malhotra cũng đánh giá cao Việt Nam đã triển khai các bệnh viện dã chiến ở Nam Sudan. Trong đó, sự tham gia của các nữ quân nhân tại đây là một điểm sáng và Liên Hợp Quốc sẽ hỗ trợ thêm Việt Nam trong thực hiện sứ mệnh này. Ông cũng mong muốn Việt Nam sẽ cử thêm các lực lượng khác tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!