Lợi dụng hình thức “tạm nhập, tái xuất” để buôn lậu

Nguyễn Sơn-Chủ nhật, ngày 13/11/2011 17:35 GMT+7

Nhiều đối tượng buôn lậu đã lợi dụng chính sách ưu đãi trong chính sách tạm nhập tái xuất để che giấu hành vi phạm pháp.

Qua tổng kiểm tra hàng hóa tồn đọng tại các cảng biển năm 2011, hải quan đã phát hiện, tạm giữ hàng trăm container hàng tạm nhập tái xuất là hàng cấm, hàng không khai báo trong hồ sơ.
15 container hàng đã được tạm nhập vào Hải Phòng để tái xuất sang Trung Quốc qua Lạng Sơn. Gần 600 tấn bột khoai tây đóng trong các bao dứa giống hệt nhau. Khi làm thủ tục tái xuất qua cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn, lực lượng hải quan đã phát hiện gần 10.000 bao là đường kính với tổng trọng lượng hơn 300 tấn được giấu phía trong conteiner không có trong hồ sơ khai báo. Tại Việt Nam, đường kính được quản lý theo hạn ngạch thuế quan, với Trung Quốc thì thuộc diện cấm nhập.
“Khó khăn nhất trong vụ này là thủ đoạn cất giấu của doanh nghiệp. Tất cả các bao đều được đóng bao dứa màu xanh đen đồng nhất. Nếu như chỉ với chủ quan như vậy thì việc xác định hàng giống như khai báo rất dễ xẩy ra. Tuy nhiên, với thông tin từ lực lượng quản lý rủi ro cũng như với thực tế kiểm tra cũng đã phát hiện ra”, Ông Trần Bằng Toàn, Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị, Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết..
Hàng vi phạm bị phát hiện qua hình thức tạm nhập tái xuất có đủ loại từ thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, rác thải độc hại đến hàng cấm như rác thải công nghiệp độc hại hay ngà voi. Theo lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, nguyên nhân là do tình trạng cấp phép tràn lan, trong khi thủ tục hải quan thì quy định vẫn như đối với hàng xuất nhập khẩu thông thường. Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường lí giải: “Những mặt hàng thông dụng là cho vào luồng xanh, những mặt hàng cần kiểm soát thì cho vào luồng đỏ. Luồng xanh thì chỉ kiểm soát 1 số, 1 tỷ lệ nhất định, còn lại cho đi hết. Luồng đỏ thì kiểm soát 100%. Do đó người ta lợi dụng vào cái đó để gian lận”.
Các lực lượng chức năng thừa nhận số vụ gian lận tương tự đã thực hiện trót lọt là không nhỏ. Trước đây, quá trình vận chuyển có sự áp tải của lực lượng chức năng. Còn hiện nay thì doanh nghiệp tự làm và tự chịu trách nhiệm. Vì vậy, ngành Hải quan đang triển khai nghiên cứu giải pháp gắn chip điện tử định vị vệ tinh vào các seal chì để giám sát. Tháng 8 năm 2011, Tổng cục Hải quan đã có văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, đề xuất không cấp phép tạm nhập tái xuất các loại hàng thuộc diện cấm xuất nhập khẩu. Với các loại hàng khác thì chỉ cấp phép kèm theo cam kết theo thông lệ quốc tế với cơ chế quản lý đặc thù riêng. Bởi, lợi ích thu được từ hoạt động này thì không đáng kể, trong khi rủi ro và thiệt hại là không nhỏ.
Trong khi các Bộ, Ngành chức năng còn đang nghiên cứu, xem xét những kiến nghị này, lực lượng chống buôn lậu đang phải giăng sức đấu tranh ngăn cản hàng thẩm lậu vào nội địa. Các khu vực biên giới thì tiếp tục bị lợi dụng làm trung gian vận chuyển hàng lậu vào các nước có chung đường biên giới với Việt Nam. Nhà nước thì không thu được lợi ích gì đáng kể, còn những con đường vùng biên thì đang nhanh chóng xuống cấp, hư hại bởi các đoàn xe tải hạng nặng.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước