Lời Tuyên bố đầu hàng - Tư liệu lịch sử quý

Kim Oanh-Thứ bảy, ngày 30/04/2011 07:05 GMT+7

Trong ngày 30/4/1975 lịch sử, một sự kiện quan trọng đánh dấu sự thắng lợi hoàn toàn của cách mạng nước ta: Đó là thời điểm Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng trên Đài phát thanh.

Lời tuyên bố đầu hàng đã được phát đi và được ghi lại như một tư liệu quý trong lịch sử. Thế nhưng, một vấn đề vẫn còn ít người biết đến: Đó là ai đã thảo lời tuyên bố đầu hàng cho Tổng thống Dương Văn Minh đọc?.

Mới đây, khi bộ sách Lịch sử Nam bộ kháng chiến được xuất bản thì câu hỏi đó mới được trả lời chính thức. Người đã viết văn kiện lịch sử đó là Đại tá Bùi Văn Tùng, nguyên Trung tá, Chính ủy lữ đoàn xe tăng 203.

Điều đáng ngạc nhiên là, trong bối cảnh rất gấp gáp và chộn rộn của ngày chiến thắng, Trung tá Bùi Văn Tùng đã soạn thảo được lời tuyên bố đầu hàng rất súc tích và đáp ứng được yêu cầu lịch sử đặt ra.

Trung tá, Chính ủy Bùi Văn Tùng của 36 năm về trước, bây giờ đã bước qua tuổi 82. Chân ông không còn đi lại được, mắt ông cũng đã mờ. Ông đã rất khó khăn khi đọc lại bản thảo tuyên bố đầu hàng mà chính ông viết cho Thổng thống Dương Văn Minh.

Có một điều thú vị đằng sau lời tuyên bố đầu hàng, đó là sự không nhượng bộ của chính ủy Bùi Văn Tùng khi ấy với Tổng thống Dương Văn Minh. Ông Dương Văn Minh chỉ muốn nói là: Tôi, Đại tướng Dương Văn Minh, nhưng Trung tá Bùi Văn Tùng yêu cầu ông phải đọc là Tổng thống. Cuối cùng thì lời tuyên bố đầu hàng là: Tôi, Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống của Chính quyền Sài Gòn.

Chính Đại tá Bùi Văn Tùng cũng không nghĩ rằng, bản thảo ông viết ra sẽ trở thành tư liệu lịch sử. Ngay sau khi Tổng thống Dương Văn Minh đọc xong, ông đã vò lại và cho vào túi quần. Rất may sau đó lãnh đạo Quân đoàn 2 đã yêu cầu ông tìm lại để cất giữ.

Nhiều nhân chứng có mặt ở Đài phát thanh Sài Gòn lúc đó rất ấn tượng với sự bình tĩnh của Trung tá Bùi Văn Tùng.

Ông Huỳnh Ngọc Chênh, Tổng Thư ký tòa soạn báo Thanh Niên kể: “Lúc đó phải nói là rất rối. Chúng tôi vào Đài phát thanh trước chuẩn bị cho phát thanh được cũng rất khó cho nên chờ chở ông Minh, ông Mậu qua thì cũng loay hoay. Có người định để ông Minh đọc trực tiếp trên Đài phát thanh, nhưng ông Tùng nói phải ghi âm rồi mới phát. Điều đó cho thấy sự cẩn trọng của ông ấy”.

Ông Nguyễn Trọng Xuất, Tổng thư ký Ban biên soạn Bộ Lịch sử Nam bộ kháng chiến cho rằng, việc làm của chính ủy Bùi Văn Tùng thể hiện tư tưởng nhân văn của đội quân giải phóng.

Ông Nguyễn Trọng Xuất, Tổng Thư ký Ban biên soạn Lịch sử Nam bộ kháng chiến: “Một văn kiện đầu hàng sau 21 năm chấm dứt chế độ do Mỹ dựng nên, mà chỉ trong vòng 10 dòng rất súc tích, rất hay, nói được hai ý rất lớn. Tức là quân đội đầu hàng không điều kiện, hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện và các cấp từ Trung ương đến địa phương phải giản tán. Tức là toàn bộ chế độ nó không còn. Cho nên viết điều đó khi mà đọc đi đọc lại thật đúng là có trí tuệ. Nếu Chính ủy Bùi Văn Tùng không được giao nhiệm vụ mũi nhọn vào chiếm dinh Độc lập từ lúc xuất phát và không chuẩn bị tinh thần để anh có thể tiến hành tất cả cái việc tuần tự làm sao cho cuộc chiến kết thúc một cách nhanh gọn và toàn vẹn, thì không thể có được một cái văn bản mà trong giây phút như vậy viết ra”.

Sau 36 năm đất nước thống nhất, một khoảng thời gian cũng đủ lớn để nhìn nhận lại những giá trị lịch sử. Nhà nghiên cứu Nguyễn Trọng Xuất rất tâm đắc với câu nói của Đại tướng Trần Văn Trà, khi ấy là Chủ nhiệm Ủy ban quân quản Sài Gòn: “Đối với chúng ta, không có kẻ thua, người thắng, mà chỉ có dân tộc Việt Nam chúng ta thắng Mỹ”.

Và cũng chính tinh thần dân tộc và tính nhân văn ấy đã làm nên một văn kiện lịch sử, một văn kiện mà Đại tá Bùi Văn Tùng cho rằng: Sở dĩ mình làm được như vậy là vì ông có mấy chục năm trong quân đội.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước