Màn kịch xoay quanh vấn nạn buôn người của các bạn trẻ.
Một thế giới mà ở đó mỗi con người là một món hàng, mỗi cuộc đời được mã hóa thành những mã vạch. Một không gian nghệ thuật mà ở đó người xem có thể nhìn, chạm và cảm nhận được nỗi đau của những nạn nhân buôn bán người… đó là điều mà Triển lãm nghệ thuật đa phương tiện của chương trình MTV EXIT mang đến cho các bạn trẻ.
20 bức ảnh trong chùm tác phẩm của nhiếp ảnh gia Na Sơn là câu chuyện về những nạn nhân của việc buôn bán người ở vùng cao Hà Giang trong những năm qua.
‘ Tác phẩm của Nhiếp ảnh gia Na Sơn
“Nếu bạn bỏ những mã vạch hàng hóa tôi đặt trên mặt các nạn nhân ra, thì đấy là những bức ảnh rất đẹp của các nạn nhân khi họ ở trong cuộc sống đời thường. Nhưng khi một gương mặt bị che đi bởi mã vạch, cũng như khi một con người trở thành thứ hàng hóa, điều đó lại rất kinh khủng, thực sự đau”, Nhiếp ảnh gia Na Sơn phân tích.
2.4 - 6 triệu nạn nhân của nạn buôn bán người trên toàn thế giới - đó là những con số lớn và khô khan, nhưng khi cụ thế hóa thành những số phận, những con người với những mái tóc, những con số đã trở nên sống động. Hàng trăm chiếc lọ, với những mẫu tóc do chính các bạn trẻ tình nguyện tặng cho nghệ sĩ Doãn Hoàng Kiên chính là tiếng nói đồng cảm với những nạn nhân.
“Sau khi các bạn hiểu ý nghĩa xã hội của việc này, các bạn hưởng ứng rất nhiệt tình. Chính sự nhiệt tình của các bạn sinh viên đã cho mình cơ hội hoàn thành được tác phẩm như thế”, nghệ sĩ Doãn Hoàng Kiên chia sẻ.
‘ Tác phẩm của Nghệ sĩ Doãn Hoàng Kiên. Ảnh: Hoa Học trò
Đối tượng chính mà chiến dịch MTV EXIT hướng tới là các bạn thanh thiếu niên - nhóm đối tượng đề cao sự sáng tạo và năng động. Vì thế, những hình thức nghệ thuật mới mẻ như nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật tương tác cơ thể đã được sử dụng trong triển lãm lần này để làm mới cách tiếp nhận một vấn đề tưởng như đã cũ.
Nguyễn Thị Ngọc, sinh viên ĐH Ngoại thương, Hà Nội phát biểu: “Một điều bất ngờ là em không thể tưởng tượng được cuộc sống bên ngoài kia lại có những điều kinh dị đến vậy, em không hiểu sao mọi người lại có thể gây ra những tội ác như thế”.
Hai em nhỏ bị bắt cóc khỏi nhà từ năm 2007, sau khi được giải cứu, bố mẹ các em hầu như không lúc nào để con mình đi xa khỏi tầm mắt. Và hôm nay, hình ảnh của các em đã đến với những bạn trẻ, mang theo thông điệp của những số phận chỉ trong phút chốc đã trở thành những món hàng. Từ nay đến khi triển lãm kết thúc, thông điệp ấy sẽ được lan tỏa đến nhiều nơi...