Mưa lớn kéo dài khiến mực nước trên các sông, suối miền Trung dâng cao gây ngập hàng chục nghìn nhà dân. (Ảnh: Vnexpress)
Tại thành phố Đà Nẵng, mưa to liên tục cộng với nước trên đầu nguồn chảy về, nên ở những khu vực dân cư trũng thấp như huyện Hòa Vang và Liên Chiểu đã bị ngập, có nơi nước đã dâng cao trên 1m.
Để đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân, ngay từ ngày 17/10, các cơ quan chức năng đã phân công cán bộ địa phương đóng chốt, trực chiến tại những khu vực nguy hiểm, vận động và di dời người dân vùng trũng thấp đến những khu vực cao hơn.
Lũ lớn đã làm ngập tuyến đường sắt đi qua địa bàn tỉnh Quảng Trị khiến nhiều đoàn tàu bắc nam phải dừng lại ở các nhà ga trên địa bàn Quảng Trị để tránh lũ. Hai đoàn tàu: SE7 và TN1 đi Thành phố Hồ Chí Minh đã buộc phải dừng lại tránh lũ tại Ga Đông Hà. Việc bảo đảm an toàn, sinh hoạt cho gần 800 hành khách trên tàu đã được Ga Đông Hà và nhân viên ở 2 đoàn tàu phục vụ chu đáo. Đến thời điểm này, tuyến đường sắt từ Quảng Trị đến Thừa Thiên-Huế đã được thông tuyến.
Cho đến sáng nay (18/10), tình hình lũ lụt trên địa bàn tỉnh Quảng Bình vẫn còn diễn biến phúc tạp. Do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc gây triều cường nên nước lũ tại 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy rút rất chậm. Từ 4h sáng 17/10 đến 7h sáng 18/10, nước chỉ rút được khoảng 40 cm. Nước trên sông Kiến Giang tại Lệ Thủy vẫn còn trên mức báo động 3 là 0,4m. Hiện, tỉnh Quảng Bình đang tập trung công tác cứu trợ cho người dân vùng lũ, đặc biệt là ở những địa phương đang bị cô lập chia cắt.
Trong chiều hôm qua và sáng nay (18/10), cùng với sự hỗ trợ của lực lượng Bộ đội biên phòng, Công an và chính quyền các địa phương, Hội CTĐ các địa phương đã tiếp cận được với hơn 880 hộ dân đang bị đang bị nước lũ cô lập chia cắt tại xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa và các bản Hang Chuồn, Khe Dây, Khe Ngang, Lâm Ninh của xã miền núi Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Đây là những địa phương thường xuyên bị nước lũ cô lập chia cắt dài ngày.
Tại đây, hội CTĐ tỉnh Quảng Bình đã cấp trên 25.000 gói mì tôm, trên 100.000 viên Anquatab để lọc nước. Riêng tại địa bàn xã Thượng Hóa - nơi có đồng bào Rục sinh sống ở 3 bản Ón, Yên Hợp và Mò O Ồ Ồ sinh sống đang bị cô lập, chia cắt nhờ có sự chuẩn bị chu đáo (dự trữ 2 tấn gạo và một số thực phẩm từ trước) nên cán bộ chiến sĩ đồn biên phòng 585 đã nhanh chóng cấp gạo và thực phẩm cho đồng bào, bình quân mỗi khẩu 2 kg gạo.
Cho đến 9h sáng nay, tuyến đường Quốc lộ 1A qua địa bàn các huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy của tỉnh Quảng Bình vẫn còn nhiều đoạn ngập sâu 0,5m, giao thông trên tuyến Quốc lộ 1A vẫn còn bị ách tắc. Quảng Bình vẫn đang tập trung mọi lực lượng để giúp nhân dân khắc phục hậu quả lũ lụt.
Theo báo cáo nhanh của Trung tâm Phòng chống lụt bão Khu vực miền Trung và Tây nguyên, đến thời điểm này, mưa lớn đã làm ngập nhiều khu dân cư ở một số quận, huyện của thành phố Đà Nẵng như Hòa Vang, Liên Chiểu. Hôm nay, một số khu dân cư thuộc vùng lân cận các dự án tái định cư vẫn còn ngập trong nước.
Trong khi đó, tại tỉnh Quảng Nam, nước lũ đã làm một người mất tích, các vùng thấp trũng của tỉnh Quảng Nam cũng có gần 1.000 ngôi nhà của nhân dân, chủ yếu ở huyện Núi Thành và Nông Sơn bị ngập nước. Gần 100 hộ dân ở huyện Nông Sơn phải di dời đến nơi an toàn.
Còn tại tỉnh Quảng Ngãi, hàng ngàn nhà dân ở hầu hết các xã thuộc các huyện Mộ Đức, Đức Phổ, Nghĩa Hành, Bình Sơn bị ngập lũ do ảnh hưởng trực tiếp từ các sông Trà Câu, Vệ, Phước Giang.
Đặc biệt, rạng sáng nay (18/10), tàu QNg 94447 TS của ông Nguyễn Nên, quê xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, do ông Võ Giữ làm thuyền trưởng, trên tàu có 6 thuyền viên hành nghề giã cào, trên đường di chuyển vào cửa biển Đà Nẵng, đến vị khu vực Hòn Chảo - Đà Nẵng đã bị chìm do va vào đá ngầm. Hơn 3 tiếng đồng hồ sau, toàn bộ 6 thuyền viên trên tàu bị nạn đã được tàu QNg 94282 TS của ông Võ Xin, do ông Tạ Vy làm thuyền trưởng, cứu vớt an toàn.
Mưa lớn đã làm nhiều tuyến giao thông quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi bị ngập và sạt lở nghiêm trọng.
Đến cuối giờ chiều nay, mực nước trên các sông từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi đã xuống chậm, dao động trên dưới mức báo động 1. Các địa phương đang khẩn trương chuẩn bị người và phương tiện, trang thiết bị nhằm kịp thời khắc phục thiệt hại do lũ lụt gây ra, trong đó có việc đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sau khi nước rút.