Trong mấy ngày qua, các tỉnh Trung Trung bộ đều bị ngập lụt. Đặc biệt, tỉnh Thừa Thiên - Huế bị ngập lụt nặng nề. Thiệt hại về tài sản chưa thống kê được, nhưng đã có 14 người chết và mất tích, 5 người bị thương. Giao thông đường sắt bị gián đoạn, đường quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh cũng bị hư hỏng nhiều nơi.
Tại Quảng Bình, theo tin từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh, tính đến 18g ngày 26/11, mưa lớn đã làm ngập 100 ngôi nhà, chủ yếu ở huyện miền núi Tuyên Hóa, 65ha ngô đông và hàng trăm ha rau màu bị ngập. Hơn 300ha ao hồ nuôi tôm và các loại thủy sản nước ngọt có nguy cơ bị mất trắng.
Hiện, đã có một người chết do lũ cuốn trôi. Riêng vụ lật đò ngang trên thượng nguồn sông Gianh vào sáng 26-11 đã làm một người mất tích ba người bị thương nặng.
Tại Quảng Trị, mưa lớn trong các ngày 24, 25 và 26/11 đã khiến nhiều vùng trên địa bàn bị ngập lụt nặng. Đã có hai nạn nhân thiệt mạng trong hai ngày mưa lũ vừa qua.
Mưa lũ lớn đã làm nhiều đoạn đường Hồ Chí Minh bị sạt lỡ gây ách tắc giao thông tại các điểm km28, km42, km49 (tính từ cầu Đakrông vào). Chiều 26-11 sạt thêm các đoạn km10, km31, km28. Hiện ở vị trí km31 giao thông dang tắc nghẽn hoàn toàn do đoạn sạt này dài hơn 100m. Tuyến đường du lịch “đường Hồ Chí Minh huyền thoại” cũng bị sạt lở dài hơn 150m từ km28 đi vào theo tuyến xã Tà Long.
Tại Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh), có ba tàu đánh cá của ngư dân thôn An Hòa ba bị sóng đánh trôi ra biển, nhân dân địa phương đã tổ chức cứu được hai tàu, còn một chiếc không tìm được.
Riêng khu vực đồng bằng huyện Hải Lăng đã chìm sâu trong nước, hệ thống giao thông liên huyện, liên xã bị chia cắt hoàn toàn với hơn 8.000 hộ dân có nhà bị ngập từ 0,5-1m. Cũng theo báo cáo của huyện này chưa có thiệt hại về người nhưng hiện mọi người đang lo lắng cho số phận của 15 người dân ở xã Hải Lâm đi trồng rừng nay vẫn chưa thấy về...
Còn tại Thừa Thiên - Huế, toàn tỉnh ngập chìm trong nước. Mấy ngày qua trên địa bàn toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Bắt đầu từ chiều 25/11, tâm mưa chuyển từ vùng núi về đồng bằng và kết hợp triều cuờng làm ngập úng trên diện rộng. Tính đến 10g chiều qua 26-11, mực nước trên sông Hương tại Kim Long là 3m52, trên báo động 3 là 0,52m; trên sông Bồ tại Phú Ốc 4,8m, trên báo động 3 là 0,3m. Tình hình lũ diễn biến rất phức tạp, có khả năng xảy ra lũ lớn trong vài ngày tới.
Lũ dâng cao làm cho hầu hết các xã dọc theo các con sông ngập sâu trong nước. 80% nhà dân thuộc 16 xã của huyện Hương Trà ngập nước. Phần lớn địa bàn huyện Quảng Điền bị ngập sâu trong nước lũ. Hai xã Phú Thanh và Phú Mậu (huyện Phú Vang) có bị cô lập hoàn toàn. Một phần các xã Lộc Bổn, Lộc An, Lộc Điền, Lộc Thủy, Lộc Tiến (huyện Phú Lộc) ngập sâu từ 1-1,5m. Ước tính có đến hơn 2300 căn nhà của huyện Phong Điền và hơn 1.000 căn nhà của huyện Phú Vang bị ngập sâu bình quân gần 1m.
Tại TP Huế, 23/25 phường xã trong tình trạng bị ngập lụt. Nước ngập hầu hết bốn phường khu vực kinh thành, có nơi ngập sâu hơn 1m. Các phường thấp trũng như Phú Bình, Phú Hậu, Phú Hiệp, Kim Long, Phường Đúc nước ngập rất sâu. Phần lớn hệ thống giao thông nội thị tê liệt, đa số không đi lại được. Ngay tại trung tâm bờ nam sông Hương (trừ tuyến đường Lê Lợi, Hà Nội) tất cả đều bị ngập chìm trong nước có nơi sâu đến 1m.
Tính đến 18g ngày 26/11 trên địa bàn toàn tỉnh đã có bốn người chết và ba người mất tích do bị nước lũ cuốn trôi.
Trên tuyến quốc lộ 1A tại km871+600, đoạn phía nam đèo Phước Tượng, lũ lớn làm sạt lở taluy đường, làm hàng nghìn xe bị kẹt hai bên đèo này suốt tám giờ (từ 21g ngày 25/11 đến 5g ngày 26/11). Đến chiều 26/11 Công ty quản lý đường bộ Thừa thiên - Huế đã giải phóng hết lượng đất đá nói trên. Một số đoạn khác cũng bị sạt lở nghiêm trọng như tại km900+450.
Cũng trên tuyến quốc lộ 1A bị ngập rất nhiều tại các đoạn km796+900 đến km797+50; km809+900; km819 đến km819+800; km823+300 đến km834+700... Hệ thống tỉnh lộ của tỉnh Thừa Thiên ố Huế hầu hết bị ngập chìm và chia cắt hoàn toàn việc đi lại trên toàn tuyến.
Tỉnh Quảng Nam có 2 huyện Nam Trà My và Tây Giang bị cô lập
Đến 16g ngày 26/11, do ảnh hưởng của cơn bão số 4, trên địa bàn tỉnh có mưa lớn, lượng mưa lớn nhất đo được tại các huyện miền núi hơn 470mm. Mưa lớn đã gây lũ quét ở nhiều nơi tại. Mực nước trên các sông Vu Gia và Thu Bồn đã lên trên báo động 2 từ 38-54cm. Do lũ lên nhanh, nên các huyện vùng đồng bằng bị ngập cục bộ.
Hiện đã có hai người chết do lũ cuốn trôi, hai người khác bị thương nặng. Toàn tỉnh đã có 4.500ha hoa màu bị thiệt hại, 500ha lúa bị lũ tàn phá. Tại hầu hết các huyện miền núi, giao thông bị chia cắt hoàn toàn, nhất là các tuyến đường lên các xã vùng cao.
Hệ thống đường dây cáp quang truyền dẫn bị hư hỏng nặng, có bảy trụ và hàng chục điểm cáp quang bị đứt và ngã đổ, đã mất liên lạc bắt đầu từ 1g đêm ngày 24/11, đến nay chưa khắc phục được.
Tại Quảng Ngãi: Theo Ban PCLB và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, đến chiều ngày 26-11, mưa lũ đã làm chết bốn người, làm sập và xiêu vẹo 46 ngôi nhà, làm sạt lở núi đe dọa 13 hộ dân ở xóm Ông Cô, xã Sơn Bua, (huyện Sơn Tây).
Toàn tỉnh có 332ha lúa, mía, hoa màu bị hư hại, 62ha đất sản xuất bị sa bồi thủy phá. Tuyến quốc lộ 24 nối Quảng Ngãi - Tây Nguyên và các tuyến đường trong tỉnh bị sạt lở nặng, 7 chiếc cầu bị hư hỏng, gây ách tắc giao thông.
Có 121 hạng mục công trình thuỷ lợi bị hư hại, trong đó có mười đập dâng và kênh mương của công trình thủy lợi Thạch Nham bị sạt lở. Hiện tại nhiều tuyến đường liên xã ở các huyện miền núi không đi lại được.
Trong chiều ngày 25/11, Công ty quản lý xây dựng và giao thông Quảng Ngãi đã san ủi 1.400m3 đất đá bị sạt lở ở địa điểm xã Ba Dinh, nên quốc lộ 24 đã thông tuyến. Các đơn vị cũng đã tiến hành san ủi các điểm bị sạt trên tuyến đường Trà Bồng - Tây Trà nhưng đến cuối ngày 26/11 tuyến đường này vẫn chưa thông.